30 năm giữ 'lửa' nghệ thuật Chèo

Khoảng thời gian 30 năm tưởng chừng dài, nhưng với anh Nguyễn Quốc Hùng, diễn viên chèo, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh dường như chưa đủ cho những đam mê. Anh luôn trăn trở với những điệu múa, câu hát chèo ngọt ngào và mong muốn đem tình yêu nghệ thuật truyền thống đến công chúng.

Sinh ra trong một gia đình có chị gái làm nghệ thuật, từ nhỏ anh Hùng đã thuộc nhiều lời ca, vai diễn chèo và đam mê lúc nào cũng không biết. Năm 1984, khi còn là cậu học sinh lớp 11, anh đã mạnh dạn đăng ký dự thi tuyển diễn viên kịch nói của Đoàn ca múa kịch tỉnh Hà Tuyên và trúng tuyển. Kể từ đó anh chính thức đi theo con đường nghệ thuật, đến năm 1990 anh chuyển từ kịch nói sang diễn viên chèo và gắn bó với nghề đến nay. Anh thường nói với mọi người, anh yêu chèo như yêu chính bản thân mình, mỗi lần được hóa thân vào vai diễn anh như quên đi mệt mỏi, buồn phiền của cuộc sống.

Anh Nguyễn Quốc Hùng (đứng giữa) vào vai ông bố trong vở chèo Nước mắt tuổi thơ.

Anh Nguyễn Quốc Hùng (đứng giữa) vào vai ông bố trong vở chèo Nước mắt tuổi thơ.

Suốt những năm tháng gắn bó với Chèo, anh đã đem hết tâm sức vào từng câu hát, vai diễn và để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Anh thường vào các vai hài kịch, những vai đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động với lối hóa thân nhân vật hết sức tự nhiên như các vai: Phù thủy sợ ma trong vở “Kim Nham”, vai Ất trong vở “Hoa khôi dạy chồng”, vai ông bố trong vở “Nước mắt tuổi thơ”... Anh không sợ hóa trang xấu mà chỉ sợ mình nhập vai không đạt, bởi vậy trước mỗi vai diễn anh đều tìm hiểu nhân vật rất kỹ từ tính cách đến tạo hình nhân vật. Anh đóng vai chín ra vai chín (là những người tốt, người có tài…), vai lệch ra vai lệch (đại diện cho những người độc ác, xấu xa). Do đó, nhiều vai do anh đảm nhiệm đã để lại ấn tượng và được mọi người đón nhận. Ngoài đời, anh sống giản dị, khiêm nhường, luôn tận tình chỉ bảo lớp đàn em đi sau cách hát, cách luyến láy, lấy hơi, ngắt nhịp từng câu, từng chữ của những làn điệu chèo.

30 năm gắn bó với Chèo, anh đã giành nhiều giải thưởng là các huy chương và giấy khen tại các kỳ cuộc liên hoan, hội diễn. Có thể kể đến: Huy chương Bạc cá nhân vai Pìn Só trong vở “Mối tình sơn cước” tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 1996, Huy chương Đồng tại Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004 với vai Lục Nhi trong vở “Lưu Ba”...

Điều đáng trân trọng ở anh là không bao giờ biết bằng lòng với chính mình. Anh luôn cho rằng, thành công không chỉ là các giải thưởng mà ở chất lượng vai diễn, khả năng lấy nước mắt và chọc cười khán giả. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là trái tim người nghệ sỹ phải thổn thức trước các nhân vật, phải hóa thân vào đó bằng tình yêu, sự trăn trở với mỗi nhân vật. Anh cùng những đồng nghiệp của mình luôn mong muốn ngọn lửa chèo sẽ tiếp tục được gìn giữ và tỏa sáng trong tâm hồn lớp trẻ, để nghệ thuật Chèo mãi được lưu giữ trên mảnh đất xứ Tuyên.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/30-nam-giu-lua-nghe-thuat-cheo-125710.html