30 triệu con lợn, không thể mãi giết mổ thủ công nhỏ lẻ
Ngành hàng thịt lợn hiện tổng đàn có trên 30 triệu con, song không thể cứ mãi giết mổ bằng lò mổ nhỏ lẻ truyền thống, người dân cũng có nhu cầu ăn sản phẩm với quy trình giết mổ chuẩn, sản phẩm sạch.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc ra đời Tổ hợp MEATDeli Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng, góp phần khắc phục dần điểm yếu khâu chế biến trong chuỗi sản xuất thịt lợn hiện nay.
Tại buổi lễ khánh thành Tổ hợp chế biến thịt lợn mát MEATDeli Sài Gòn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay nàng nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, song tới thời điểm này (hết tháng 9), năng lực sản xuất của chúng ta rất tốt, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của gần 100 triệu dân, xuất khẩu thu về 30,5 tỷ USD, tăng 1,6 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói về ngành hàng thịt lợn, theo Bộ trưởng Cường, chúng ta từ một nước thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng giờ đã có thể sản xuất khoảng 6 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn tôm cá, trứng, sữa… rất nhiều. Song, ông thừa nhận, ngành chăn nuôi còn mất cân đối, đặc biệt là ngành hàng thịt lợn còn nhiều vấn đề cần lưu ý.
Bộ trưởng dẫn chứng, tổng đàn lợn nước ta có tới trên 30 triệu con nhưng điểm lại chỉ có 25% cơ sở giết mổ quy mô lớn và hiện đại, còn lại đều là giết mổ ở lò mổ nhỏ lẻ, thủ công. Theo đó, sản xuất thì dư thừa, không sản xuất thì lại thiếu. Như năm 2017 chúng ta đã từng phải giải cứu thịt lợn, năm trước dịch bệnh nên năm nay lại thiếu.
Do đó, việc ra đời những nhà máy chế biến thịt như Tổ hợp chế biến thịt heo mát MEATDeli Sài Gònsẽ khắc phục dần điểm yếu trong chuỗi sản xuất này, Bộ trưởng Cường khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, 3 năm trở lại đây, ngành chế biến nông sản đã có bước chuyển mình, hơn 60 nhà máy sản xuất hiện đại với vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Từ giờ đến cuối năm sẽ có thêm 4 nhà máy quy mô lớn nữa được khánh thành.
Điều này chứng tỏ khó đến mấy chúng ta cũng làm được. Bộ trưởng Cường nhận định, Long An là một tỉnh “sừng sỏ” về sản xuất nông sản, từ cây ăn quả, gia cầm cho tới chăn nuôi lợn… Do đó, nhà máy chế biến thịt mát được đặt tại tỉnh này không chỉ cung cấp thực phẩm cho người dân trong tỉnh mà còn cho TP.HCM, cho các tỉnh ĐBSCL.
Theo ông, không thể cứ mãi giết mổ bằng lò mổ nhỏ lẻ, người dân cũng có nhu cầu ăn sản phẩm có quy trình giết mổ chuẩn, sản phẩm sạch.
Bộ trưởng đề nghị, khi đã có nhà máy giết mổ hiện đại trong tỉnh thì Long An cần phải làm chuẩn lại quy trình chăn nuôi nông hộ, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn để có thể liên kết được với MEATDelitrong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Ông mong muốn doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng thị trường bằng sản phẩm sạch với giá thành cạnh tranh hơn.
Ngoài đưa Tổ hợp MEATDeli Sài Gòn trị giá 1.800 tỷ đồng tại Long An vào hoạt động; Masan cũng mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm thông qua việc rót vốn 613 tỷ đồng để sở hữu 51% Công ty 3F VIỆT chuyên sản xuất thịt gia cầm hàng đầu.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng những giá trị đột phá, theo hướng có thể nhân rộng và phát triển để trở thành các thương hiệu mạnh số 1 tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng, giá cả hợp lý và truy xuất được nguồn gốc cho mỗi và mọi người tiêu dùng Việt Nam”, ông Phạm Trung Lâm - Tổng Giám Đốc Masan MEATLife chia sẻ.