300.000 báu vật ngoài hành tinh ẩn mình nơi 'tử địa' của Trái Đất
Một AI đã được các nhà khoa học Hà Lan sử dụng để lập bản đồ kho báu ngoài hành tinh ở Nam Cực, nơi được cho là có 300.000 vật thể từ vũ trụ còn ẩn mình.
Theo tiến sĩ Veronica Tollenaar từ Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ giúp họ tạo ra một "bản đồ kho báu" có độ chính xác trên 80% và dẫn đường cho các cuộc khai quật tương lai.
Bản đồ được lập ra nhờ sự tính toán, cân đối nhiều thông số để xác định các khu vực có thể tìm thấy thiên thạch với xác suất cao. Bộ dữ liệu bao gồm các quan sát vệ tinh về nhiệt độ, tốc độ dòng chảy của băng, lớp phủ bề mặt và cấu tạo hình học các vùng băng giá, những thứ giúp dự báo khá chính xác về khu vực giàu thiên thạch.
Tờ Science Alert trích dẫn giải thích của nhóm nghiên cứu: thiên thạch rơi khắp thế giới, nhưng môi trường Nam Cực khiến chúng dễ dàng được khai quật hơn. Nhưng đi tìm thiên thạch ở một vùng băng giá "tử thần", ít sự sống nhất Trái Đất là nhiệm vụ nguy hiểm, do đó cần thiết một tấm bản đồ dẫn đường.
Nghiên cứu cũng giúp tính toán rằng có hơn 300.000 báu vật ngoài hành tinh vẫn còn đang ẩn mình khắp lục địa băng giá. Tin mừng là nhiều "mỏ thiên thạch" vô tình lại nằm gần các trạm nghiên cứu mà các nhà khoa học quốc tế đã dựng nên suốt nhiều năm quá.
Thiên thạch Nam Cực cũng có thể mang đến chất lượng tốt nhất thế giới, bởi được bảo tồn trong môi trường "sa mạc lạnh", do đó giữ được độ tinh khiết và không bị các động vật quấy nhiễu. Thiên thạch đáp xuống Nam Cực có thể không nằm yên mà bị di chuyển theo sông băng, do đó công cụ AI của các nhà khoa học Hà Lan cũng dựa theo các yếu tố này để xác định nơi các thiên thạch bị sông băng gom lại.
Ở một số điểm đặc biệt như Dãy núi Transantarctic, sông băng đụng vào núi và làm các thiên thạch đưa lên bề mặt, đó sẽ là nơi các nhà khoa học có thể tìm đến để thu thập số lượng nhiều.
Thiên thạch thường ẩn giấu nhiều chi tiết thú vị về lịch sử vũ trụ, trong đó một số loại thiên thạch còn được kỳ vọng sẽ lý giải nguồn gốc của chính chúng ta.