300.000 quân NATO tạo vành đai thép từ Baltic tới Bulgaria
NATO tuyên bố sẽ không gửi quân tới hỗ trợ Ukraine, nhưng lực lượng hùng hậu 300.000 quân của khối sẽ được triển khai dọc tuyến từ Baltic đến Bulgaria.
Tờ Corriere della Sera của Ý dẫn nguồn tin có liên quan đến tài liệu dự thảo trong tuyên bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cho biết, các nước NATO có ý định ra tuyên bố bác bỏ ý tưởng gửi quân tới Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh liên minh sắp được tổ chức ở Washington vào ngày 9-11 tháng 7.
Ấn phẩm đề cập đến tài liệu dự thảo sẽ được chính thức phê duyệt sau cuộc họp ở Hoa Kỳ, nhưng nhìn chung chắc chắn là nó sẽ được các nguyên thủ quốc gia NATO thông qua trong hội nghị.
Trước đó, giới chức lãnh đạo NATO cũng đã khẳng định, những tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng điều quân tới Ukraine không mang lại lợi ích gì mà chỉ làm leo thang căng thẳng, bất kể ông Macron cho rằng, nhiều nước hiểu cách tiếp cận và đồng tình với quan điểm của Paris về vấn đề này.
Theo tài liệu, mặc dù NATO khẳng định sẽ không gửi quân tới hỗ trợ chính quyền Kiev nhưng chiến lược của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không thay đổi, chỉ có một sự điều chỉnh nhỏ mang tính chất hình thức.
Theo đó, Nhóm Liên kết Phòng thủ Ukraine (UDCG, Ukraine Defense Contact Group, còn được gọi bằng cái tên là “Định dạng Ramstein”) sẽ chuyển từ Mỹ sang trụ sở liên minh ở Brussels.
Bên cạnh đó, NATO sẽ tiếp tục tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của mình; đặc biệt là kế hoạch dự kiến sẽ triển khai 300 nghìn binh sĩ dọc tuyến từ các nước Baltic (giáp biên giới phía tây Nga và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad ở bờ biển Baltic) đến tận lãnh thổ Bulgaria bên bờ Biển Đen.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 08/5 cũng tuyên bố rằng, xung đột ở Ukraine bắt đầu không phải vào tháng 2 năm 2022 mà là ngay từ tháng 5 năm 2014. Ngay từ khi cuộc nội chiến ở Donbass, miền Đông Ukraine bùng phát, NATO đã cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ cho Kiev.
Theo ông, chính thực trạng xung đột ở Ukraine đã chỉ ra cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thấy sự cần thiết phải tăng cường phòng thủ tập thể. Với những sự chuẩn bị này, nên việc Nga tiến hành “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” ở Ukraine vào năm 2022 đã không gây ngạc nhiên cho NATO.
Ông cũng nói về việc Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã đặt lực lượng của mình trong tình trạng báo động cao, tăng cường củng cố mặt trận phòng thủ ở sườn phía đông, tăng số lượng các cuộc tập trận chung và lần đầu tiên sau nhiều năm, các thành viên NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng.