300 trận động đất xảy ra ở Kon Tum trong hơn một năm qua
Từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn.
Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3,9 độ richter và năm 2015 độ lớn 3,0 độ richter.
Đáng chú ý, từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn. Đặc biệt, ngày 18/5/2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4,5 độ richter.
Dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông, đặc biệt là có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Khu dân cư ảnh hưởng của động đất là xã Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút/huyện Kon Plông. Số hộ dân phải sơ tán khoảng 900 hộ/1.512 khẩu.
Theo kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tại địa phương các tin động đất; truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông; tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất; đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả; triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả...
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn.
UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, động đất không thể dự báo trước, song có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra.
Cụ thể như người dân đang ở trong nhà nên chui xuống gầm bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống; che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn rơi trúng; nếu mất điện, dùng đèn pin, không dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn; nắm chắc tin tức khẩn cấp để ứng phó.
Trong các tòa nhà cao tầng, UBND tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân tuyệt đối không được dùng thang máy, ở trong nhà, di chuyển tới góc phòng, tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo; khóa gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào. Nếu đang ở trong thang máy nằm xuống sàn bảo vệ đầu, khi thang máy làm việc trở lại ra khỏi thang máy ở tầng kế tiếp và sử dụng cầu thang bộ.
Còn nếu đang đi đường, người dân cần tránh xa các tòa nhà và dây điện; tìm chỗ trống để đứng; trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường nên tránh các cột điện, dây điện, công trình phía trên xe và không chui xuống gầm xe.
Khi bị kẹt trong đống đổ nát, người dân không la hét, lấy tay, khăn che mũi miệng; dùng vật cứng gõ vào vật cứng khác báo vị trí của mình cho lực lượng cứu nạn.
Người dân cũng cần cập nhật tin tức khẩn cấp của cơ quan chức năng; chuẩn bị ứng phó các trận dư chấn, những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra. Tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích…