31 cây gỗ bị đốn hạ trái phép, chưa xác định được khối lượng
Liên quan đến vụ phá rừng lim trái phép tại khu vực rừng Trường Sơn mà Báo Nhân Dân điện tử phản ánh ngày 24-4, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) kiểm tra, báo cáo sự việc ngày 28-4. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình hình khai thác rừng trái phép tại đây rất nghiêm trọng, có 31 cây bị chặt hạ, trong đó 29 cây gỗ bị lấy đi nhưng chưa xác định được khối lượng.
NDĐT - Liên quan đến vụ phá rừng lim trái phép tại khu vực rừng Trường Sơn mà Báo Nhân Dân điện tử phản ánh ngày 24-4, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) kiểm tra, báo cáo sự việc ngày 28-4. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình hình khai thác rừng trái phép tại đây rất nghiêm trọng, có 31 cây bị chặt hạ, trong đó 29 cây gỗ bị lấy đi nhưng chưa xác định được khối lượng.
Khi báo cáo bị “vo tròn”
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình ngày 28-4 về sự việc mà Báo Nhân Dân điện tử nêu, Sở NN- PTNT thừa nhận rằng, ngày 20-4, kiểm tra rừng tại khoảnh 68, tiểu khu 317 thuộc lâm phận do Lâm trường Trường Sơn (Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại) quản lý, lực lượng chức năng phát hiện 45 hộp gỗ lim, khối lượng 4,5 m3 tập kết trái phép và phủ lá chuối che dấu. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện bốn cây gỗ lim (nhóm IIA) và một cây gỗ gõ (nhóm II A) đường kính gốc từ 50 đến 85 cm, bị chặt hạ trái phép. Phần thân gỗ bị cưa xẻ và vận chuyển, hiện trường chỉ còn lại bìa bắp và cánh ngọn. Trong đó có ba cây bị khai thác khoảng hơn một tháng, hai cây bị chặt hạ khoảng hai, ba ngày trước đó.
Báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Bình gửi UBND tỉnh bị “vo tròn” là vậy nhưng thực tế lại khác. Trong văn bản của Lâm trường Trường Sơn gửi Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại ngày 23-4 ghi rõ: Ngày 22-4, Lâm trường lập đoàn đi kiểm tra mở rộng hiện trường tại tiểu khu 317 thì phát hiện thêm năm gốc gỗ bị cưa hạ trái phép chưa xác định được thời gian. Trong đó có bốn cây gỗ lim và một cây gõ. Phần thân đã bị lấy hết, chỉ còn lại gốc và bìa gỗ bị đốt cháy.
Khối lượng gỗ bị khai thác trái phép chưa xác định được
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian này, rừng Trường Sơn ít nhất tại ba vị trí thuộc lâm phận của Lâm trường Trường Sơn quản lý bị chặt hạ với số lượng gỗ bị lấy đi không ít. Lâm trường Trường Sơn cho biết, ngày 23-4, đơn vị này phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh kiểm tra rừng tại vùng Xà Biên, tiểu khu 300 phát hiện chín cây gỗ bị lâm tặc chặt hạ chưa xác định được thời gian. Còn theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Ninh đã kiểm tra phát hiện có 31 cây gỗ, trong đó có 28 cây thuộc nhóm IIA bị khai thác trái phép tại tiểu khu 300, 303 và 317 thuộc vùng rừng do Lâm trường Trường Sơn quản lý.
Ngoài ra, tại một số điểm gần vị trí cây gỗ bị khai thác, lực lượng chức năng phát hiện 4,3 m3 gỗ lim, 3,4 m3 gỗ huỵnh và 0,5 m3 gỗ gõ. Trước vụ khai thác rừng trái phép này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình Nguyễn Văn Long chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh căn cứ vào hiện trường, đối chiếu hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng để xác định trữ lượng rừng, khối lượng lâm sản bị thiệt hại để có căn cứ phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm.
Được biết, rừng Trường Sơn hiện còn rất nhiều gỗ quý, nhất là gỗ lim nên đây là địa bàn mà lâm tặc thường xuyên “nhòm ngó”. Đã thế, trong rừng tự nhiên, có nhiều khoảng trống nên được Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại cho trồng keo lai xen vào. Vì vậy, trong quá trình khai thác cây keo thường dẫn đến mất rừng. Lâm tặc lợi dụng tiếng xăng khai thác cây keo để mang phương tiện vào rừng khai thác gỗ trái phép mà không bị phát hiện. Trong khi đó, Lâm trường Trường Sơn được giao bảo vệ gần 32 nghìn ha rừng tự nhiên nhưng chỉ có 27 nhân viên nên không đủ sức bảo vệ an toàn cho những cánh rừng.
Những bất cập trong công tác bảo vệ rừng ở đơn vị này chậm khắc phục, sai phạm của Giám đốc Lâm trường Trường Sơn Châu Ngọc Dương không bị xử lý nên hết vụ này đến vụ khác, rừng liên tiếp bị khai thác trái phép khiến nhiều người bức xúc. Dư luận chờ mong sự xử lý một cách nghiêm minh của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để ngăn chặn nạn “chảy máu” tài nguyên.