35 học sinh nhập viện do đồ chơi slime: Xem clip trên YouTube rồi làm theo!
Theo lời kể của các học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương (Đà Nẵng), việc ngộ độc xảy ra là từ đồ chơi slime do một bạn cùng trường tự chế tạo.
Chiều 16-4, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có thông tin chính thức về vụ 35 học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Theo đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay nguyên nhân ban đầu được xác định là các em bị ngộ độc do chơi slime nước mua tại quán trên đường vào trường.
Biểu hiện chung của các học sinh là khó thở, ngứa; kiểm tra phổi và thần kinh không có ảnh hưởng gì. Chiều nay, nhà trường cho tất cả học sinh nghỉ học để cán bộ y tế tiếp tục kiểm tra, xử lý. Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đang phối hợp với địa phương để kiểm tra, giải quyết sự việc.
Trong 35 học sinh nhập viện cấp cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, đến chiều cùng ngày, 14 em ra viện, 15 em sức khỏe đã ổn định. 6 em còn lại hiện điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, ttrong đó 5 em đã ổn định, 1 em còn cấp cứu do có bệnh nền tim bẩm sinh.
Chiều cùng ngày, ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho thấy các học sinh còn điều trị tại đây đều đã ổn định sức khỏe. Theo lời kể của các em, sự việc ngộ độc xảy ra là từ đồ chơi slime do một học sinh tên M. tự chế tạo.
M. đã mua các gói slime dạng nước có hình dáng giống miếng hạ sốt cùng các chế phẩm liên quan từ một quán tạp hóa trước cổng trường. Sau đó, M. mang các gói slime này về ngâm với nước dơ cùng nước muối, để 8 giờ. Kế tiếp, M. dùng hỗn hợp ngâm được trộn chung với các chế phẩm màu rồi đem lên trường với mục đích bán cho các bạn.
Một số học sinh mua hỗn hợp slime này của M. về chơi thì thấy có mùi hôi nên mang trả lại. Đến sáng 16-4, nhóm học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương đã tụ tập xem đồ chơi slime này và ngửi thấy mùi hôi. Sau đó, nhiều học sinh bắt đầu cảm thấy đau đầu, đau bụng, nôn ói, khó thở.
V.T.N (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hòa Khương) cho hay sở dĩ các em biết đến đồ chơi slime này là từ các clip trên Youtube. "Chúng em xem trên YouTube rồi làm theo. Đồ chơi này là dạng hỗn hợp giống như đất nặn, có thể nhào nặn thành nhiều hình thù tùy ý thích. Trên YouTube có các clip hướng dẫn cách làm và cách chơi" - N. cho hay.
Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, sở thường xuyên có văn bản nhắc nhở về tình trạng hàng quán trước cổng trường. Riêng đối với đồ chơi slime, sau sự việc này, sở sẽ chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh; đồng thời có văn bản gửi UBND các quận -huyện và các ngành liên quan đề nghị tiếp tục tăng cường phối hợp đảm bảo an toàn, an ninh trước cổng trường.
Chiều 16-4, UBND TP Đà Nẵng có chỉ đạo khẩn về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước cổng trường học. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra các kho hàng; nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thường được các hàng quán bán cho học sinh trước cổng trường; chỉ đạo Sở GD-ĐT khuyến cáo phụ huynh lựa chọn đồ chơi cho con trẻ, nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem nhãn rõ ràng, có công bố hợp chuẩn, hợp quy, không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường...
Đồ chơi slime là gì?
Slime là đồ chơi có xuất xứ từ nước ngoài, còn được gọi là "chất nhờn ma quái". Slime thường được làm từ chất tẩy rửa cùng với hồ nước tạo thành khối sệt, mềm dẻo, không dính. Trước đây, trẻ em Âu - Mỹ sử dụng phổ biến, sau đó slime du nhập nhiều nơi.
Trên YouTube có rất nhiều clip hướng dẫn cách làm slime và các chơi trò này, thu hút hàng triệu lượt xem. Trên thị trường đồ chơi trẻ em, nhiều loại slime được bán có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc.
Slime có thể dễ dàng biến đổi thành bất cứ hình dạng nào mà người chơi muốn. Người chơi có thể cho sẵn vào khuôn hình hoặc tự nặn bằng tay bất cứ hình nào. Slime khá giống với đất sét nặn nhưng có đặc tính vừa mềm vừa dẻo và đặc biệt là không dính tay.
Tại TP Đà Nẵng, dạo quanh các trường tiểu học, có thể dễ dàng mua được những hộp slime từ những tiệm tạp hóa trước cổng trường. Theo một người phụ nữ bán tạp hóa trước cổng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), học sinh rất chuộng đồ chơi slime. Cửa tiệm của bà có bán nhiều hộp slime cùng các chế phẩm. Theo bà này, các học sinh mua những hộp slime về cùng các chế phẩm có thể chế ra nhiều đồ chơi slime khác màu sắc rồi bán lại.