350 người chung niềm vui thoát cảnh 'người lậu miền biên ải'
Theo Phòng Hành chính Tư pháp của Sở Tư pháp Quảng Trị, đến nay đã có 590 người được nhập, 145 người (chủ yếu ở huyện Đakrông) đang được tỉnh trình Bộ Tư pháp, một số khác đang hoàn thiện hồ sơ hoặc không thể nhập quốc tịch vì đã trở về nước gốc, đi làm ăn xa.
“Hết khổ rồi”
Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới tiếp giáp hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước Cộng hòa DCND Lào. Tình trạng “người lậu biên ải” di cư tự do xảy ra nhiều năm qua, sống trong cảnh không quốc tịch, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, vợ chồng sống với nhau không có giá thú… Mới đây, hàng trăm người đã được nhập quốc tịch Việt Nam.
Nhằm bảo đảm các quyền của người di cư tự do, từ năm 2013 Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký kết thỏa thuận về giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch và giấy tờ tùy thân khác cho người dân của nước này cư trú tại các tỉnh biên giới nước kia.
Tại Quảng Trị, từ ngày 2/10/2019 - 15/10/2019, Sở Tư pháp phối hợp UBND các xã Ba Tầng, Xy, A Túc, A Xing, Thanh, Thuận, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam cho 350 trường hợp.
Sau lễ chào cờ diễn ra trang trọng, người dân lần lượt lên nhận quyết định. Anh Hồ Văn Chua (31 tuổi, trú thôn Xa Tuông, xã Ba Tầng, người di cư tự do từ Lào sang xã Ba Tầng từ năm 2009, đã lập gia đình với vợ người Việt Nam, hiện đã có hai người con), cho biết: “Trước đây khi chưa có quốc tịch khổ lắm, đau ốm đi viện không được cấp thuốc vì không làm được bảo hiểm. Nhà có mấy sào sắn không đủ ăn, muốn vay tiền thả vài con bò nhưng không có ngân hàng nào cho vay cả. Hôm nay tôi đã chính thức là người Việt Nam nên rất vui mừng, chắc sắp hết khổ rồi. Từ nay tôi và bà con nơi đây sẽ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế và hứa sẽ tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam”.
Có mặt tại buổi lễ, bà Hồ Thị Sáo (Phó Chủ tịch UBND xã Xy) cho hay, vấn đề dân di cư tự do tồn tại nhiều năm chưa dứt điểm, gây khó khăn trong quản lý dân cư và ổn định cuộc sống người dân. “Hôm nay, thật sự tôi rất phấn khởi. Niềm vui, mong mỏi mấy chục năm qua của bà con nay đã thành hiện thực”.
Việc người dân ở khu vực biên giới được nhập quốc tịch Việt Nam thể hiện tinh thần nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, tạo thuận lợi cho người di cư tự do có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và được hưởng các chế độ, chính sách. Đồng thời góp phần ngăn chặn tổ chức, cá nhân hoặc đối tượng xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự vùng biên giới hai nước.
Còn nhiều việc phải làm
Theo danh sách Trưởng đoàn đại biểu biên giới phê duyệt, ở 10 tỉnh biên giới với Lào có 1.804 trường hợp. Quảng Trị có nhiều người di cư nhất với 855 trường hợp. Ngay sau khi có danh sách phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp cơ quan Trung ương hướng dẫn các cá nhân có tên trong danh sách làm thủ tục nhập quốc tịch.
Theo Phòng Hành chính Tư pháp của Sở, đến nay đã có 590 người được nhập, 145 người (chủ yếu ở huyện Đakrông) đang được tỉnh trình Bộ Tư pháp, một số khác đang hoàn thiện hồ sơ hoặc không thể nhập quốc tịch vì đã trở về nước gốc, đi làm ăn xa.
Ông Hoàng Kỳ, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị, cho biết, trong 6 năm qua, ngành tư pháp tỉnh huy động cán bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh hoàn thành hồ sơ nhập tịch cho số người trên. Đây là kết quả của sự cộng tác, phối hợp giữa các ban ngành, cũng như sự khai báo rõ ràng, đầy đủ của bà con; dù trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn do nhận thức một số người dân còn nhiều hạn chế.
Ông Kỳ nhấn mạnh, trong năm nay cơ bản sẽ hoàn thành việc nhập quốc tịch cho người dân nơi đây. Các địa phương cần sớm cấp đất, tạo sinh kế để bà con thuận lợi làm ăn, con cái được học hành và ổn định cuộc sống.
Ông Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) cho biết: Sau khi trao Quyết định cho các trường hợp trên, chính quyền còn rất nhiều việc phải làm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ngành làm các thủ tục tiếp theo như cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các chế độ chính sách. Những người dân nơi đây đa phần chưa quen với phong tục tập quán, chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật, quy định của Việt Nam, cho nên trước hết các cơ quan chức năng cùng địa phương phải hỗ trợ, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng như các chính sách... để họ sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống; góp phần xây dựng các bản làng văn hóa, gia đình văn hóa khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự địa phương.