36 dự án so tài tại vòng chung kết khởi nghiệp xanh 2024

Theo đánh giá từ Ban giám khảo cuộc thi các dự án năm nay có nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh, dù ra đời chưa quá 5 năm.

Hội DNHVN CLC, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức họp báo thông tin về vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững lần 10.

Ban tổ chức cho biết, vòng chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10-11, tại Hội trường Dinh Thống Nhất, với sự tham gia của 36 ý tưởng/dự án.

Cuộc thi được chia thành 2 bảng. Bảng A là cá nhân/nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường, thời gian triển khai hoạt động dự án dưới 1 năm. Bảng A có 12 ý tưởng/dự án.

Bảng B là cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác/ hợp tác xã/doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 1 năm (căn cứ theo thời gian cấp GCN/Giấy thành lập doanh nghiệp/HTX). Có sản phẩm/ dịch vụ đã được thương mại hóa và thời gian hoạt động không quá 5 năm kế từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. Bảng B có 24 dự án tranh tài.

Theo đánh giá từ Ban tổ chức, các dự án năm nay có nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh, dù ra đời chưa quá 5 năm. Họ có sự vượt trội bởi đã biết kết hợp các yếu tố công nghệ, thương mại điện tử trong bán hàng, bên cạnh việc tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn cao của thế giới. Do đó, các dự án nhỏ hơn có cơ hội trao đổi, học hỏi và kết nối cùng những dự án lớn hơn để hình thành những mạng lưới hỗ trợ cho việc khởi nghiệp, kinh doanh sau này.

Trong khuôn khổ buổi họp báo, Hội DNHVN CLC, Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập đã thông tin về cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024.

Theo đó, bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại Hà Nội và TPHCM là 2 trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ NTD tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12-18%.

Rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng (NTD) hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, sự phàn nàn của NTD đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% NTD cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).

Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận NTD còn hạn chế, đặc biệt NTD ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (với 7% NTD cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh).

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/36-du-an-so-tai-tai-vong-chung-ket-khoi-nghiep-xanh-2024-post118072.html