37 đội tranh tài cuộc thi Liên hoan các ban nhạc học sinh Hà Nội
So với Liên hoan các ban nhạc học sinh Hà Nội lần thứ nhất, năm nay cuộc thi tăng mạnh về cơ cấu giải, số lượng ban nhạc, đối tượng tham gia Liên hoan.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu khai mạc
Ngày 14-4, Sở GD-ĐT Hà Nội khai mạc cuộc thi Liên hoan các ban nhạc học sinh THPT lần thứ 2. Ban tổ chức cho biết, so với mùa trước, Liên hoan năm nay có 37 đội của 37 trường trung học phổ thông tham gia, tăng 3 đội so với liên hoan lần thứ nhất.
Ban tổ chức cũng tăng cường nhiều giải thưởng hơn so với lần thứ nhất với tổng số 28 giải (tăng 21 giải) để động viên, khuyến khích học sinh đam mê âm nhạc.
Tham gia liên hoan lần này là có sự tham gia của học sinh quốc tế, học sinh khiếm thị. Ban tổ chức cho biết, hệ thống âm thanh, ánh sáng được đầu tư công phu, hiện đại hơn để các ban nhạc, nhóm nhạc thể hiện tài năng.

Liên hoan các ban nhạc học sinh Hà Nội được tổ chức lần thứ hai, tăng về quy mô và cơ cấu giải thưởng
Tại lễ khai mạc Liên hoan, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, Liên hoan các ban nhạc học sinh là hoạt động thiết thực, đồng thời là dịp để học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Liên hoan còn là sân chơi bổ ích cho những học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc; phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần quảng bá hình ảnh học sinh Hà Nội năng động, trẻ trung và giàu truyền thống văn hóa. Chủ đề của liên hoan lần này là xây dựng trường học hạnh phúc.
Đại diện các đội tham gia, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, tham gia liên hoan là cả một sự cố gắng lớn, trong đó có em Nguyễn Danh Khoa, lớp 10D6 - một học sinh khiếm thị.
Liên hoan các ban nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội là sân chơi để các bạn trẻ thể hiện tài năng, đam mê và lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. Với Danh Khoa, đây là cơ hội không thể bỏ lỡ. Cậu đã chủ động đề xuất với thầy cô thành lập một nhóm nhạc truyền thống để tham gia sự kiện này. Dù gặp không ít khó khăn, từ việc sắp xếp thời gian đến việc tìm kiếm thành viên cùng đam mê, nhóm nhạc đã nhanh chóng được hình thành và bắt đầu luyện tập.

Nhóm nhạc truyền thống của trường THPT Sóc Sơn hăng say luyện tập cho cuộc thi
Theo cô Thanh, nhóm nhạc truyền thống của trường THPT Sóc Sơn không chỉ mong muốn giao lưu, học hỏi mà còn kỳ vọng sẽ mang đến một màu sắc mới cho sân chơi âm nhạc lớn nhất dành cho học sinh THPT tại Hà Nội. Hơn thế nữa, nhóm còn ấp ủ kế hoạch thành lập câu lạc bộ âm nhạc truyền thống tại trường, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thanh cũng bày tỏ mong muốn hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường và tiếp thêm động lực cho học sinh trong học tập.
Vòng sơ khảo diễn ra từ nay đến ngày 16-4, mỗi ban nhạc thể hiện 2 tác phẩm liên tục, thể loại hòa tấu và đệm hát.
Vòng chung khảo dự kiến diễn ra vào tối 28-4, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh H1) và phát trực tuyến trên nền tảng số của các trường học.