Nhói lòng trước những 'vết sẹo' chiến tranh ở Quảng Trị

Không biết tự bao giờ, nhiều người thường nói 'về Quảng Trị' chứ không bảo' đi Quảng Trị', phải chăng vì nhắc đến miền đất ấy là nhắc đến những yêu thương, cảm phục và đớn đau...

 Cháu Nguyễn Văn Minh Trí, khuyết tật bẩm sinh - tứ chi không bình thường, cháu tập viết bằng chân và đang học lớp 8.

Cháu Nguyễn Văn Minh Trí, khuyết tật bẩm sinh - tứ chi không bình thường, cháu tập viết bằng chân và đang học lớp 8.

Không đớn đau sao được khi 21 năm trường kì kháng chiến, Quảng Trị hứng chịu số lượng bom đạn bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945. Không đớn đau sao được khi hàng vạn tấn bom napan, hàng nghìn tấn chất độc hóa học rải xuống mảnh đất này và hàng chục năm sau nó vẫn đang phát tác trên cơ thể những thế hệ thứ 3, thứ 4 sau chiến tranh.

Tại sao Quảng Trị lại "được" Mỹ quan tâm như vậy?

Bởi vì đây là địa chỉ thể hiện ý chí, quyết tâm của cả dân tộc chi viện cho miền Nam, tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Người Mỹ hiểu như vậy nên đã tìm mọi cách ngăn chặn ý chí ấy bằng cách dùng tất cả tiềm lực vũ khí tối tân nhất tạo nên một cuộc chiến khốc liệt bên bờ nam sông Bến Hải.

Trong cuộc chiến không cân sức ấy, Quảng Trị đã đứng vững nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ.

Mỗi tấc đất, mỗi góc phố, ngôi nhà, làng xóm nơi đây đều thấm máu các anh hùng liệt sĩ và những người dân vô tội.

Quảng Trị là nơi có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất cả nước! Hai trong bốn nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia là ở Quảng trị, 73 nghĩa trang cấp huyện và đau thương, oanh liệt nhất là thành cổ Quảng Trị. Bom đạn cày xới không biết bao nhiêu lần, thi thể các chiến sĩ bị tung lên vùi xuống không biết bao nhiêu lần, khiến cho có muốn quy tụ các liệt sĩ cũng không làm nổi nên đã phải đắp một ngôi mộ tượng trưng lớn nhất cả nước ở ngay thành cổ Quảng Trị.

Đó là lý do vì sao nhắc đến những cái tên Khe Sanh, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ vẫn nhức nhối trong tim bao người.

Nhà báo, nhà thơ Phạm Hồ Thu

Nhà báo, nhà thơ Phạm Hồ Thu

Nhà thơ, nhà báo, cựu phóng viên chiến trường liên khu 5 Phạm Hồ Thu lần đầu tham gia với đoàn thiện nguyện Câu Lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam chia sẻ: "Không phải đây là lần đầu tiên tôi đến Quảng Trị, càng không phải lần đầu đến những vùng đất chiến tranh. Là nhà báo từng đi nhiều chiến trường: miền nam, Campuchia, biên giới phía Bắc. Nhưng đến Quảng Trị tôi vẫn có nguyên vẹn một niềm xúc động về sự hi sinh của nhân dân và những người lính, về sự mất mát quá lớn của chúng ta...".

Nghe thế, chúng tôi hiểu vì sao đã ở tuổi U80, vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật mà chị vẫn quyết tâm đồng hành cùng chúng tôi về với Quảng Trị.

Trong đoàn 43 thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo nữ (do nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung làm trưởng đoàn) đến Quảng Trị từ ngày 9 đến 11/4, còn có những chị đang mắc bệnh nan y, có chị vừa đeo đai lưng vừa đi, có chị say xe, nhưng không nề hà ngồi xe gần 2.000 km trong 3 ngày đến những địa danh: nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, thành cổ Quảng trị và điểm dừng chân là Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Gio Linh.

Giám đốc Trung tâm Thái Văn Lưu

Giám đốc Trung tâm Thái Văn Lưu

Tại đây, anh Thái Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm - cho biết: "Gio Linh là huyện đầu cầu giới tuyến nằm ở phía nam sông Bến Hải, là vị trí tiền đồn, nơi đụng đầu quyết liệt trong cuộc chiến tranh vệ quốc, là nơi thí nghiệm đủ các loại vũ khí tối tân nhất của quân đội Mỹ nhằm hủy diệt, biến Gio Linh thành vành đai trắng để ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Chiến tranh đi qua đã nhiều năm nhưng người dân Gio Linh vẫn còn phải chịu nhiều đau thương, mất mát kéo dài chưa biết bao giờ nguôi.

Cả huyện hiện có 3.477 người khuyết tật (trong đó có 307 cháu nhỏ), có 695 người nhiễm chất độc hóa học. Nhiều cháu sinh ra đã mang dị tật, dị dạng. Nhiều chị em bị vô sinh, nhiều người bị tàn phế do bom mìn còn chưa được tháo dỡ...

Trung tâm được thành lập 23 năm. Hàng ngày có 58 cháu được gia đình đưa đến để 6 cô chú giúp phục hồi chức năng. Các cháu được tập, chữa, được ăn bữa trưa miễn phí do có các dự án tài trợ.

Các cháu đều là con cháu của những gia đình khó khăn nhất trong những gia đình có người khuyết tật của huyện".

Cháu Trần Thị Thùy Linh, 20 tuổi, di chứng chất độc hóa học. Cháu chỉ nằm co quắp, không nói, tự ăn, vệ sinh, không nhận thức được

Cháu Trần Thị Thùy Linh, 20 tuổi, di chứng chất độc hóa học. Cháu chỉ nằm co quắp, không nói, tự ăn, vệ sinh, không nhận thức được

Con số này chỉ rất khiêm tốn, cũng như số tiền đoàn chúng tôi tặng các cháu 1 triệu đồng một cháu cộng thêm 1 chiếc chăn ấm, 6 cô chú giúp trẻ phục hồi chức năng (300 nghìn đồng/người)... chỉ là muối bỏ bể. Tuy nhiên, đó cũng đã là sự cố gắng rất lớn của các thành viên trong đoàn, là tấm lòng của những người không tham gia được nhưng vẫn gửi quà theo đoàn, của những doanh nhân như chị Thu Hương gửi tặng 58 chiếc chăn.

Nếu như trên đường đi, bất chợt bạn gặp một người khuyết tật ngồi xe lăn, bò lê, cố di chuyển tấm thân méo mó, vặn vẹo, bạn đã thấy se sắt, thương cảm, thì bạn có thể hiểu tâm trạng của chúng tôi khi bước vào hội trường. Nhìn 58 cháu với nhiều dạng hình hài khác nhau ngồi, nằm, vặn vẹo trên bàn, hoặc im lìm bất động, hoặc nở những nụ cười méo mó, ngây ngô thì trái tim bạn chắc cũng như chúng tôi- đang bị vò nát vậy!

Cháu Trần Bá Minh Ki, 7 tuổi, được bà nội đưa đến.

Cháu Trần Bá Minh Ki, 7 tuổi, được bà nội đưa đến.

Và không một ai, kể cả những anh như anh Bùi Minh Tiến cựu chiến binh ở mặt trận phía bắc cũng không cầm được nước mắt. Những nhà báo lâu năm như chúng tôi cũng vừa phỏng vấn bà, cha mẹ các cháu vừa khóc.

Chúng ta đã phải chịu hi sinh mất mát quá lớn cho cuộc chiến khốc liệt để có ngày non sông được liền một dải vừa tròn 50 năm.

Vẫn còn đó nhiều số phận, nhiều mảnh đời cần lắm những sự quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, cũng như mỗi chúng ta.

Không ai, không thế hệ nào được phép lãng quên lịch sử, không được thờ ơ với những vết sẹo chiến tranh để lại, với những gia đình vẫn còn đau đáu vì những đứa con chưa trở về!

Một cây làm chẳng nên non, tất cả chúng ta cùng chung tay sẽ góp phần làm cho màu xanh trở lại trên những mảnh đất đau thương, làm vơi đi nỗi nhọc nhằn khốn khó của những người dân vùng chiến sự, cho những nụ cười dù là ngây ngô nở trên môi những đứa trẻ tật nguyền.

Thùy Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhoi-long-truoc-nhung-vet-seo-chien-tranh-o-quang-tri-20250415214207831.htm