3M đồng ý bồi thường 10,3 tỷ USD do để rò rỉ hóa chất độc hại
Tập đoàn 3M hôm 22/6 đạt thỏa thuận bồi thường 10,3 tỷ USD với các thị trấn và thành phố ở Mỹ có nguồn nước công cộng bị ảnh hưởng từ hóa chất độc hại của công ty này.
Theo thỏa thuận này, 3M sẽ trả số tiền 10,3 tỷ USD trong vòng 13 năm cho bất kỳ thành phố hoặc hạt nào tại Mỹ để xét nghiệm và dọn sạch các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl - còn được biết đến là PFAS - khỏi nguồn nước công cộng, New York Times đưa tin.
PFAS, được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau như lớp chống dính trên dụng cụ nhà bếp hoặc bọt chữa cháy, có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe như suy gan, chậm phát triển, giảm chức năng miễn dịch và ung thư.
PFAS được gọi là hóa chất vĩnh viễn do có khả năng tồn tại trong môi trường và cơ thể con người sau một thời gian dài.
Gã khổng lồ ngành hóa chất và sản xuất của Mỹ, 3M, đang đối mặt với hơn 4.000 vụ kiện của chính quyền các địa phương và thành phố do để xảy ra tình trạng ô nhiễm chất PFAS. Trong thỏa thuận bồi thường, 3M đã từ chối nhận lỗi để xảy ra tình trạng trên.
Doanh nghiệp Mỹ cho biết khoản tiền 10,3 tỷ USD sẽ giúp khắc phục thiệt hại cho nhà cung cấp nước bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại "ở bất kỳ mức độ nào".
Mike Roman, chủ tịch và giám đốc điều hành của 3M, khẳng định "thỏa thuận là một bước tiến quan trọng của công ty, theo sau thông báo doanh nghiệp này sẽ rút khỏi mọi hoạt động sản xuất chất PFAS vào cuối năm 2025".
Trước đó, vào hôm 2/6, các tập đoàn hóa chất Chemours, DuPont và Corteva đã đồng ý trả 1,19 tỷ USD vào một quỹ chung, dùng để loại bỏ chất PFAS khỏi các hệ thống cung cấp nước công cộng.
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho biết khoảng 200 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất PFAS thông qua hệ thống cung cấp nước công cộng.