4 bệnh nhân mù lòa đăng ký hiến tạng sau khi nhìn thấy ánh sáng nhờ ghép giác mạc
Sau khi có người chết não hiến tặng giác mạc, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành ghép giác mạc cho 4 bệnh nhân mù lòa. Tại buổi xuất viện, cả 4 bệnh nhân này đã tự nguyện đăng ký hiến tạng khi qua đời.
Sáng 11/10, Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức ra viện cho 4 bệnh nhân được ghép giác mạc thành công từ người hiến tặng chết não.
Trước đó, vào ngày 27/9, ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về nguyện vọng hiến tặng giác mạc của một bệnh nhân nam 41 tuổi, chết não tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định (tỉnh Bình Định), các bác sĩ của Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế đã nhanh chóng thu nhận giác mạc và tiến hành ghép cho 2 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Trong đó có một bệnh nhân nữ 40 tuổi ở tỉnh Gia Lai và một bệnh nhân nam 50 tuổi ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiếp đó, ngày 30/9, Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận giác mạc từ một bệnh nhân 36 tuổi hiến tặng do chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (tỉnh Nghệ An). Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, giác mạc được ghép thành công cho một nam bệnh nhân 30 tuổi ở tỉnh Gia Lai và một bệnh nhân nam 65 tuổi ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cả 4 bệnh nhân này đều trải qua những tháng năm dài sống trong cảnh mù lòa, mất đi khả năng nhìn thấy ánh sáng và cuộc sống xung quanh. Nhờ sự tận tụy, nỗ lực của các bác sĩ tại Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế, các bệnh nhân đã phục hồi một phần thị lực, mở ra hy vọng tương lai tươi sáng hơn.
Tại buổi xuất viện, 4 bệnh nhân được ghép giác mạc đã tự nguyện đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, ghép giác mạc hiện là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị tổn thương giác mạc có cơ hội phục hồi thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả. Tuy nhiên với số lượng giác mạc hiến tặng còn hạn chế, hàng ngàn bệnh nhân trên cả nước vẫn đang trong danh sách chờ đợi cơ hội được ghép giác mạc.
Việc ghép giác mạc không chỉ mang lại ánh sáng cho người bệnh mà còn chuyển tải thông điệp sâu sắc về sự nhân ái, nhân văn, sẻ chia yêu thương, khích lệ cộng đồng tham gia hiến tạng, hiến giác mạc để giúp đỡ những người bệnh, nhất là những người không may bị mù lòa có cơ hội nhìn thấy ánh sáng.