4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột tử khi ngủ và cách phòng tránh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đột tử khi ngủ nhưng chúng thường liên quan đến ngừng tim đột ngột và mất dần chức năng tim liên quan đến suy tim sung huyết.
Đột tử trong khi ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng tình trạng này dễ gặp hơn ở những người từ 40 tuổi trở lên.
1. Nguyên nhân gây đột tử khi ngủ
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây đột tử trong khi ngủ, trong đó có 3 nguyên nhân thường gặp có thể dẫn tới tình trạng nguy hiểm này:
- Các vấn đề về tim
Các vấn đề về tim chiếm tỷ lệ lớn trong các trường hợp đột tử khi đang ngủ. Người ta ước tính rằng 15-20% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới là do đột tử do tim. Hơn nữa, khoảng 22% số ca tử vong đột ngột do tim được ước tính xảy ra vào ban đêm.
Các vấn đề về tim có thể gây đột tử vào ban đêm bao gồm:
+ Đau tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho cơ tim bị tắc nghẽn và mô được cung cấp máu bị tổn thương hoặc chết. Một cơn đau tim nghiêm trọng có thể làm giảm lưu lượng máu đến phần não kiểm soát nhịp thở, dẫn đến ngừng hô hấp.
+ Rối loạn nhịp tim, bao gồm nhịp tim nhanh thất (tim đập quá nhanh) và nhịp tim chậm thất (tim đập quá chậm).
+ Suy tim sung huyết: Suy tim sung huyết có thể dần dần dẫn đến suy tim và trong trường hợp nghiêm trọng là ngừng tim.
Tất cả những tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn mắc bệnh động mạch vành, huyết áp cao, tiểu đường hoặc thường xuyên hút thuốc, béo phì.
- Đột quỵ
Đột quỵ cũng là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giấc ngủ. Khi bạn bị đột quỵ, cục máu đông sẽ chặn dòng máu lên não, dẫn đến chết tế bào não. Theo Hiệp hội Đột quỵ Anh, cứ 7 trường hợp đột quỵ thì có 1 trường hợp xảy ra trong khi ngủ.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, nguy cơ của bạn có thể cao hơn nếu bạn:
+ Bị huyết áp cao
+ Cholesterol cao
+ Mắc bệnh tiểu đường
+ Bị ngưng thở khi ngủ không được điều trị
+ Ngủ quá ít hoặc chất lượng giấc ngủ kém
+ Bị mất nước
+ Có các vấn đề về tim
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tự nó đã là một yếu tố nguy cơ, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn sẽ ngừng thở từ 5 đến 30 lần trở lên mỗi giờ khi họ ngủ và có nguy cơ tử vong đột ngột do tim cao hơn 2,5 lần so với người bình thường trong khoảng thời gian từ 12 giờ sáng đến 6 giờ sáng.
Khi không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ, bệnh tim mạch vành và rối loạn nhịp tim. Theo Ủy ban Quốc gia về Nghiên cứu Rối loạn Giấc ngủ, hơn 38.000 người chết vì bệnh tim phức tạp do ngưng thở khi ngủ ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên, đột tử khi ngủ có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Vấn đề về phổi: Các vấn đề về phổi, bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và giảm thông khí trung tâm bẩm sinh, có thể khiến con người mất quá nhiều oxy và tử vong trong khi ngủ.
- Động kinh: Những người bị co giật khi ngủ có thể đột tử do nồng độ oxy trong máu thấp hoặc bị thương nặng.
- Rối loạn giấc ngủ: Những người mộng du hoặc mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM có thể vô tình làm bản thân bị thương hoặc thậm chí bước ra khỏi cửa sổ khi đang ngủ, gây tử vong.
- Thuốc an thần quá liều: Những người vô tình dùng quá liều thuốc an thần có thể ngủ mà không bao giờ tỉnh dậy.
- Sử dụng thuốc gây nghiện: Ma túy có thể gây ức chế hô hấp, có thể dẫn đến ngừng hô hấp và ngừng tim nếu không được điều trị.
- Ngộ độc carbon monoxide: Sự tích tụ khí carbon monoxide trong không khí từ lò sưởi, nến, bếp ga, lò sưởi gas, xe vẫn chạy, máy phát điện hoặc các nguồn khói khác có thể khiến bạn tử vong khi đang ngủ.
- Nghẹt thở: Trẻ dưới một tuổi có thể bị ngạt thở trên gối, ga trải giường khi ngủ hoặc có thể bị đột tử do tim do các nguyên nhân liên quan đến hô hấp hoặc não.
2. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột tử khi ngủ
Có thể không dễ dàng phát hiện các triệu chứng cảnh báo nguy cơ đột tử nếu nó diễn ra đột ngột và bất ngờ. Bạn thậm chí có thể không cảm thấy bị bệnh.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng này bạn nên cẩn trọng vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột tử khi ngủ:
- Đau thắt ngực hoặc khó thở: Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tim như đau tim, suy tim sung huyết.
- Ngủ ngáy hoặc thở hổn hển trong khi ngủ: Đây có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra, khi mắc hội chứng này, mọi người còn gặp các triệu chứng khác như: khịt mũi, nghẹt thở, thường xuyên thức dậy vào ban đêm và cảm thấy khó thở, buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày cho dù bạn đã ngủ nhiều vào ban đêm, nhức đầu và khô miệng sau khi thức dậy, khó tập trung, thường xuyên cáu kỉnh.
- Cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng: Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ. Ngoài ra, đột quỵ còn gây ra các triệu chứng khác như đột ngột khó nói hoặc khó hiểu lời nói, khó đi lại, nhìn mờ, đau đầu dữ dội, bị tê hoặc yếu nửa người (mặt, cánh tay hoặc chân).
- Đổ mồ hôi nhiều trong đêm: Nếu bạn đổ mồ hôi khi ngủ do thời tiết nóng, căng thẳng hoặc mãn kinh thì điều đó không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đổ mồ hôi nhiều có thể xảy ra do hoạt động hoặc khả năng của tim giảm. Khi tim không có khả năng hoạt động bình thường hoặc khi nó hoạt động chậm lại, cơ thể phải tạo thêm áp lực để giảm bớt lưu lượng máu. Đây là lúc cơ thể đổ mồ hôi.
3. Làm thế nào để phòng ngừa đột tử khi ngủ
Độ tử trong khi ngủ không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách kiểm soát các vấn đề sức khỏe gây ra tình trạng này, cụ thể:
- Xây dựng một lối sống khỏe mạnh. Bạn nên tập trung vào 8 điều thiết yếu mà Tổ chức Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đề cập như: chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, duy trì chất lượng giấc ngủ, cai thuốc lá, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cân đối, kiểm soát huyết áp và cholesterol và lượng đường trong máu.
- Hạn chế uống rượu, đặc biệt trước khi đi ngủ.
- Giữ đủ nước và bổ sung đủ chất điện giải trong chế độ ăn uống của bạn.
- Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ, hãy đi khám và điều trị chứng rối loạn giấc ngủ. Ngay cả những việc đơn giản như ngáy hoặc ngủ thường xuyên hơn 9 giờ cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề.
- Quản lý bệnh tim bằng cách có lối sống lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn thường xuyên thấy tim đập nhanh vào ban đêm hoặc có các triệu chứng về tim như đau ngực, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe.
Nhìn chung, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ và kiểm soát các tình trạng sức khỏe đang gặp phải, nhất là các tình trạng liên quan đến tim để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như đột tử khi ngủ.