4 động lực chính hỗ trợ tăng trưởng GDP trong năm 2024
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán (CTCK) KB Việt Nam (KBSV) những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại nhờ động lực chính đến từ việc hoạt động xuất khẩu phục hồi kéo theo tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng chính sách tiền tệ và sự phục hồi của tiêu dùng nội địa nhờ các biện pháp kích cầu.
Xuất khẩu hồi phục và bứt phá
Hoạt động xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023 chứng kiến sự suy giảm trong lĩnh vực này kéo theo hoạt động sản xuất trong nước bị trì trệ, chủ yếu do nhu cầu suy yếu tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, các chuyên gia KBSV cho rằng, sự suy giảm này một phần do mức nền xuất khẩu cao trong năm 2022 khi các nước mở cửa trở lại sau dịch COVID-19.
Mặt khác, xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng hồi phục, mức tăng trưởng âm đã được thu hẹp qua từng tháng và đảo chiều trong quý IV (tăng 8,8% so với cùng kỳ).
KBSV giữ quan điểm thận trọng đối với hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 do lo ngại thiếu hụt đơn hàng mới khi mà nhu cầu tại các nền kinh tế lớn chưa phục hồi.
Dù vậy, kỳ vọng xuất khẩu sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn trong nửa sau của năm nhờ các yếu tố: Triển vọng kinh tế tại 2 nước đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc khởi sắc hơn trong nửa cuối năm; thương mại toàn cầu 2024 cải thiện (WTO kỳ vọng tăng trưởng 3,3% so với mức 0,8% của năm 2023, IMF nâng dự báo lên 3,5%); tăng trưởng tồn kho tại Mỹ và EU chạm đáy, kỳ vọng số đơn hàng xuất khẩu sẽ cải thiện khi các quốc gia này chủ động tăng tồn kho.
Ngoài ra, còn các yếu tố nội tại khác như Việt Nam nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, hay việc tích cực ký kết và tận dụng tốt các hiệp định FTA cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu bao gồm: Rủi ro địa chính trị khiến giá cước vận tải, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao; thói quen tiêu dùng thay đổi trong môi trường lãi suất cao tại các nước đối tác thương mại; lộ trình tăng giá điện ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nguồn cung điện chưa ổn định.
Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh
Đầu tư công tiếp tục được chuyên gia đánh giá là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2023 ước đạt 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch Chính phủ giao, tương đương mức 85,2% của cùng kỳ năm trước nhưng tăng trưởng 21,1% so với cùng kỳ do kế hoạch của năm 2023 cao hơn.
Các vướng mắc pháp lý và giải phóng mặt bằng vẫn là thách thức lớn nhất khiến thực hiện đầu tư công trong nửa đầu năm khá chậm chạp và chỉ được đẩy mạnh vào nửa sau của năm nhờ nỗ lực của các cơ quan quản lý.
Nhìn chung, KBSV đánh giá hoạt động đầu tư công cả năm 2023 là khả quan với mức tăng trưởng 2 chữ số, không chỉ là một bước tiến đáng kể mà còn đóng đóng vai trò như một cơ sở vững chắc cho kế hoạch trung hạn để bứt phá mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
Trong năm 2024, kế hoạch đầu tư công của Chính phủ ước tính đạt 677.000 tỷ đồng, chiếm 32% ngân sách nhà nước, tập trung chính vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 Hà Nội, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh…
KBSV ước tính tổng vốn đầu tư công có thể phân bổ trong 2024 ở mức 730.000 tỷ đồng (nhờ chuyển giao nguồn vốn từ 2023 sang 2024), giảm 5% so với cùng kỳ trên mức nền cao của năm trước.
Bên cạnh đó, kỳ vọng tỷ lệ giải ngân năm nay sẽ đạt mức kỷ lục vào khoảng 90 - 95% kế hoạch, nhờ: Các nút thắt pháp lý và đầu tư đang dần được tháo gỡ; năm 2024 là thời điểm quan trọng khi mà nhiều dự án trọng điểm đã đến giai đoạn tăng tốc và hoàn thiện, còn các dự án mới hầu hết đã xong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục và sẵn sàng tiến hành thi công; Giá hàng hóa nguyên vật liệu dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức thấp.
Chính sách tài khóa mở rộng khác hỗ trợ nền kinh tế
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhu cầu suy yếu ở cả trong nước và quốc tế, Chính phủ đã ban hành những gói hỗ trợ tài khóa với quy mô lên đến khoảng 200.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Đó là các biện pháp về tăng lương cơ bản; gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Nhờ vậy, cầu nội địa đã có xu hướng hồi phục trong những tháng cuối năm cùng với sự ấm lên của tăng trưởng GDP quý IV/2023.
Trong năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, mức bội chi NSNN cho năm 2024 đã được quyết định là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Tính đến thời điểm hiện tại, quy mô hỗ trợ tài khóa cho năm 2024 đang là 120.400 tỷ đồng, bao gồm: gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng VAT (giảm thu 25.000 tỷ đồng); giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu (giảm thu 40.000 tỷ đồng); cải cách tiền lương (chi 55.400 tỷ đồng).
Thị trường đều kỳ vọng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ được ban hành thêm trong năm khi mà dư địa tài khóa còn dồi dào.
Bên cạnh đó, các chính sách được triển khai từ năm trước sẽ thẩm thấu và phát huy tác dụng rõ nét trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ tác động không nhỏ làm ấm lên cầu nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chính sách tiền tệ nới lỏng giúp duy trì lãi suất ở mức thấp
Với dự báo lạm phát và tỷ giá (nếu không xuất hiện các yếu tố thiên nga đen bất thường từ bên ngoài) nhiều khả năng không chịu áp lực lớn trong năm 2024 khi mà xu hướng hạ nhiệt lạm phát toàn cầu đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn, trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ đảo chiều chính sách, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại.
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 0,75%-1% so với mức cuối 2023.
“Dù dư địa giảm lãi suất không nhiều, việc có thể duy trì lãi suất ở mức thấp là điều kiện lý tưởng để hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm chi phí đi vay của doanh nghiệp, cũng như kích thích nhu cầu của người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia KBSV lưu ý.
Theo thitruongtaichinhtiente.vn