4 hành vi ở trẻ em không nên bỏ qua, phải uốn nắn ngay
Nuôi dạy con là một nghệ thuật, bởi có những lỗi cần bỏ qua, nhưng có những lỗi cần chấn chỉnh, đó là khi trẻ dối, cục tính, ngắt lời cha mẹ...
Phóng đại sự thật
Ban đầu, hành vi này có vẻ chỉ là sự cường điệu. Ví dụ, trẻ nói với một người bạn rằng chúng có thể chạy 2km trong 4 phút hoặc chúng nói rằng mình đã ăn hết rau mà hầu như không đụng đến một quả đậu nào. Những lời nói dối này thường vô hại, nhưng không hoàn toàn là sự thật.
Vấn đề là khi trẻ đã quen với việc làm cho mình trông đẹp hơn, oách hơn một chút trong mắt người khác, việc nói dối sẽ trở thành tự động. Cuối cùng, hành vi này có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, gây ra những vấn đề lớn ở nhà và ở trường.
Khi quyết định cách giải quyết hành vi nói dối ở trẻ, điều quan trọng là cha mẹ phải xem xét tuổi của chúng. Một đứa trẻ rất nhỏ có thể không hiểu hết sự khác biệt giữa lời nói dối có hại và lời nói dối vô hại.
Trong độ tuổi từ 2 đến 4, trẻ không có nhiều ý tưởng về nơi sự thật kết thúc và sự dối trá bắt đầu, chúng cũng không thực sự hiểu được sự khác biệt giữa mong muốn và thực tế.
Khi chúng nói với bạn rằng chúng đã chơi xích đu ở sân chơi suốt đêm, hãy nhớ rằng chúng có thể tin chúng đã thực sự làm như vậy! Đừng trừng phạt trẻ vì tội nói dối mà hãy nhẹ nhàng uốn nắn chúng. Nhắc nhở trẻ rằng chúng đã đến sân chơi vào cuối tuần trước, không phải tối qua khi chúng đang nằm trên giường.
Khi con bạn lớn hơn (khoảng 5 tuổi), hãy bắt đầu giải thích nói dối là gì và giúp chúng hiểu tại sao điều đó là xấu. Khen ngợi con vì sự trung thực và khuyến khích chúng nói sự thật, ngay cả khi điều đó có thể khiến chúng gặp rắc rối.
Phớt lờ cha mẹ
Thật khó chịu khi bạn biết con nghe thấy bạn nhưng lại giả vờ rằng chúng không nghe thấy gì. Thói quen này có thể trở thành một vấn đề vì con bắt đầu phớt lờ bạn bất cứ lúc nào.
Đó là cách trẻ muốn giành lại một chút quyền lực và nếu không được kiểm soát, có thể khiến trẻ ngày càng trở nên ngang ngược. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải giúp con học cách lắng nghe ngay lần đầu tiên được hướng dẫn.
Khi bạn đã sẵn sàng đưa ra phương hướng, hãy bước đến chỗ con. Đặt tay lên vai con và nói cho con biết con cần phải làm gì. Yêu cầu con nhìn bạn và trả lời quyết đoán.
Nếu con không làm những gì bạn yêu cầu, hãy áp dụng một hình phạt. Cuối cùng, con sẽ nhận ra rằng việc phớt lờ cha mẹ không hiệu quả.
Ném đồ vật
Nếu chỉ là hành vi ném một miếng thức ăn, thì đó không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu không được sửa chữa, con bạn có thể dần dần ném những đồ vật có khả năng làm vỡ cửa sổ hoặc khiến người khác bị thương.
Bạn không cần phải ngăn chúng tuyệt đối không được ném đồ vật, mà nên tập trung vào việc dạy chúng những gì có thể ném và chúng nên ném ở đâu.
Chẳng hạn, dự trữ những quả bóng xốp không gây tai nạn trong nhà và dạy con cách chơi trò ném trúng vào túi. Vấn đề là dạy cách ném phù hợp đồng thời không khuyến khích cách ném hung hăng.
Làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người khác
Trong suy nghĩ của trẻ, điều chúng cần nói với cha mẹ là điều quan trọng nhất trên thế giới. Chúng không nhận ra rằng những người khác có thể có những nhu cầu quan trọng như nhu cầu của chúng.
Vì vậy, ngay cả khi bạn đã nói đi nói lại với con rằng con phải đợi cho đến khi cuộc trò chuyện tạm dừng và lịch sự nói “Con có thể...”, thì không phải lúc nào con cũng nhớ điều đó.
Để hạn chế hành vi này, hãy tạo ra các tín hiệu mà con bạn sẽ nhận ra. Ví dụ, nếu bạn đặt tay lên vai con, điều đó có thể cho thấy rằng bạn nhận ra con cần bạn và bạn sẽ sớm ở bên con.
Giơ một hoặc hai ngón tay có nghĩa là bạn sẽ ở bên con sau một hoặc hai phút nữa. Biểu thị một tín hiệu để nhắc nhở con ngắt lời một cách lịch sự, chẳng hạn như gật đầu.
Khi con bạn nhận ra những tín hiệu này và đợi một khoảng thời gian thích hợp để cho phép bạn hoàn thành cuộc trò chuyện hoặc nhiệm vụ của mình, hãy khen ngợi con. Sự củng cố tích cực sẽ luôn phát huy tác dụng.
Theo verywellfamily.com