4 hiệp hội phản đối đề xuất đưa sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá
Ngày 23/5, 4 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho biết, đã gửi công văn lên Chính phủ và Quốc hội kiến nghị không đưa sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá.
Trong văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) bày tỏ sự quan ngại việc đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá của Luật Giá (sửa đổi) khi chưa hề lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Theo các hiệp hội, việc đưa sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá là không đúng với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và việc bổ sung này không phù hợp với khoa học và thực tiễn. Trong khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”.
Các Hiệp hội cho biết, khác với trẻ nhỏ dùng sữa làm nguồn thức ăn chủ yếu, sữa chỉ là một phần rất nhỏ (2,7%) trong chế độ ăn của người Việt. Mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam chỉ ở mức 27-28 lít/người/năm, ít hơn 7-8 lần so với người Mỹ và Pháp cho nên chưa thể được coi là mặt hàng thiết yếu, trong khi điều 15 của Luật Giá quy định “Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”.
Do đó, các hiệp hội kiến nghị làm rõ việc bình ổn giá cho mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi dựa trên cơ sở nào.
Theo các hiệp hội, việc đưa sản phẩm vào danh mục bình ổn giá sẽ làm tăng thủ tục hành chính đăng ký giá và kê khai giá phiền hà, tốn kém thời gian và công sức của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh...
Góp ý cho dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong Luật Giá sửa đổi, với việc áp giá với hàng hóa, cần quy định rõ, lúc nào và với mặt hàng nào thì áp giá cố định, mặt hàng nào thì áp giá sàn để tránh có sự can thiệp duy ý chí.
Ông Cung cũng cho rằng, các bộ ngành, các địa phương muốn kiến nghị hàng hóa bình ổn giá, thì phải chứng minh được hàng hóa đó là thiết yếu, và phải đánh giá tác động toàn diện của giá hàng hóa đó đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.