4 hình thức thanh toán không dùng tiền thông dụng được áp dụng từ 1/7/2024

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng mới trong thời đại công nghệ hiện đại. Vậy có các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào hiện nay?

Thanh toán không dùng tiền mặt là gì?

Thanh toán không dùng tiền mặt có thể hiểu là thanh toán, giao dịch mà không phải đưa tiền mặt trực tiếp hay vật phẩm có giá trị khác (ngoại tệ, vàng bạc, đá quý…). Thay vào đó, người dân có thể dùng các phương tiện khác như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương như chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, séc… Tuy nhiên, phương thức phổ biến nhất hiện nay vẫn là ví điện tử và thẻ ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt có ưu điểm gì?

Một số ưu điểm mà thanh toán không dùng tiền mặt có thể đem lại:

Nhanh chóng, thuận tiện: Với các giao dịch có giá trị lớn hay giao dịch ở xa nhau về mặt địa lý, thanh toán không tiền mặt sẽ thuận tiện nhiều hơn cho cả đôi bên. Hiện nay, khi mua hàng ở bất kỳ đâu người dân không cần phải mang quá nhiều tiền, chỉ cần điện thoại có kết nối internet hoặc thẻ ngân hàng là được.

Chính xác: Không phải đổi tiền phức tạp nếu không có tiền lẻ, nhất là với số tiền lớn, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đảm bảo tính chính xác cao hơn.

Tiết kiệm hơn: Dùng thẻ ngân hàng, ví điện tử…. người dùng sẽ nhận được nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn.

Thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân thuận tiện trong các giao dịch. Ảnh minh họa: TL

Thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân thuận tiện trong các giao dịch. Ảnh minh họa: TL

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt từ ngày 1/7/2024

Theo Khoản 10, Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm:

- Séc;

- Lệnh chi;

- Ủy nhiệm chi;

- Nhờ thu;

- Ủy nhiệm thu;

- Thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước);

- Ví điện tử;

- Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, theo Khoản 6 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm:

- Séc;

- Lệnh chi;

- Ủy nhiệm chi;

- Nhờ thu;

- Ủy nhiệm thu;

- Thẻ ngân hàng;

- Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, có nhiều hình thức trong thanh toán điện tử được áp dụng. Trong đó phổ biến là thanh toán qua thẻ ngân hàng, chuyển khoản qua tài khoản, ví điện tử. Cổng thanh toán cụ thể như sau:

Thanh toán qua thẻ ngân hàng

Có thể sử dụng thẻ ATM, Visa, Master Card để thanh toán dịch vụ tại các cửa hàng có đặt điểm chấp nhận thẻ (POS). Ngoài ra, có thể sử dụng thẻ tín dụng, Visa hay Master Card để thanh toán trên các website kinh doanh online trong nước và quốc tế.

Thanh toán điện tử bằng cách chuyển khoản

Có thể chuyển khoản thông qua cây ATM hoặc sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone), máy tính có kết nối internet để quét mã QRCode, chuyển khoản đến số tài khoản theo yêu cầu.

Thanh toán qua ví điện tử

Các cửa hàng, website online, sàn thương mại điện tử đều cho phép khách hàng thanh toán tiện lợi, nhanh chóng qua ví điện tử phổ biến như MoMo, ZaloPay, ShopeePay, Viettel Pay, Moca Payment,…

Thanh toán qua cổng thanh toán

Khách hàng có thể thanh toán các dịch vụ tại các website thương mại điện tử. Nó cho phép kết nối an toàn giữa tài khoản khách hàng sử dụng (thẻ, ví điện tử...) với tài khoản website bán hàng, giúp cho việc chuyển - nhận tiền một cách an toàn và nhanh chóng.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-1-7-nhung-phuong-tien-thanh-toan-khong-dung-tien-nao-duoc-ap-dung-172240619144709348.htm