4 kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất, trên cơ sở tổng hợp những vấn đề nổi lên của thực tiễn và những chủ trương, chính sách của Đảng, qua khảo sát thực tế tại địa phương, nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của các bộ liên quan, chuyên gia trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Thứ nhất, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa rõ ràng hơn chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương về đất tôn giáo, tín ngưỡng: “Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương” trong dự thảo Luật Đất đai để tạo sự thống nhất, thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, nghiên cứu bổ sung quy định về chủ thể sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng không phải là cơ sở tôn giáo (đổi chủ thể sử dụng đất từ cơ sở tôn giáo sang tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để phù hợp và thống nhất với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và theo thực tiễn quản lý hoạt động tôn giáo hiện nay. Bởi vì cơ sở tôn giáo là chỉ tính vật chất như chùa, nhà thờ, thánh thất…; tổ chức tôn giáo chỉ pháp nhân, có tư cách pháp lý trong các mối quan hệ); quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo. Bổ sung quy định về hạn mức đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng để tạo hành lang pháp lý cho các địa phương thực hiện, khắc phục những vướng mắc liên quan tới cấp đất cho tôn giáo, tín ngưỡng như hiện nay.
Thứ ba, bổ sung quy định loại đất mà tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng ngoài đất sử dụng vào mục đích thờ tự và trụ sở (đất giao); phân định rõ đất hoạt động tôn giáo và đất dùng cho các hoạt động xã hội khác để chủ thể sử dụng thực hiện quyền và nghĩa vụ về đất, về lĩnh vực hoạt động theo quy định.
Thứ tư, đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể, đồng bộ về loại đất xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, đất bảo quản, lưu trữ tro cốt, theo hướng quy định đầy đủ về loại đất lưu trữ tro cốt tại các điều khoản quy định về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; giao đất có thu tiền sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; các trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đất sử dụng ổn định lâu dài; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng.
Ảnh: Hồ Long
Để thể chế hóa quan điểm nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, cử tri chức sắc và tín đồ tôn giáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Một vấn đề mà cử tri tín đồ tôn giáo quan tâm hiện nay là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai với kỳ vọng giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, khai thông điểm nghẽn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri đồng bào các tôn giáo đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần có những quy định cụ thể về đất đai tôn giáo nhằm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có sự tiếp nối với hiện đại bảo đảm phát huy nguồn lực tôn giáo trong xã hội.
ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện