4 loại thực phẩm không cần cắt bỏ khi muốn kiểm soát hàm lượng cholesterol
Cholesterol có vai trò quan trọng giúp cơ thể duy trì hoạt động và phát triển, khi nồng độ cholesterol quá cao sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì thế hiểu về cholesterol và chủ động điều hòa cholesterol trong cơ thể, tăng cholesterol tốt và hạn chế cholesterol xấu là việc cần thiết.
Nội dung
1. Trứng giúp duy trì mức cholesterol lành mạnh
2. Phô mai
3. Thịt bò
4. Ăn tôm đúng cách
5. Thay đổi lối sống để giảm cholesterol
Từ lâu nhiều người luôn cho rằng khi hàm lượng cholesterol trong cơ thể tăng cao thì nên tránh tiêu thụ những thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như thịt, trứng sữa... Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh vẫn có thể gồm đầy đủ những thực phẩm này.
Dưới đây là 4 loại thực phẩm không nhất thiết phải cắt bỏ nếu muốn thực hiện một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch để kiểm soát lượng cholesterol trong cơ thể.
1. Trứng giúp duy trì mức cholesterol lành mạnh
Nhiều người kiêng trứng hoặc hạn chế ăn trứng do trứng chứa nhiều cholesterol. Trong khi trứng là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Các chất chống ôxy hóa trong trứng giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp... Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ăn khoảng 4 đến 6 quả trứng mỗi tuần sẽ không gây hại đến sức khỏe, kể cả đối với những người có chỉ số cholesterol cao.
Theo BS. Phạm Thị Thúy Hòa (Hội Dinh dưỡng Việt Nam), nguyên nhân vì sao lượng cholesterol trong trứng cao nhưng lại không ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu của cơ thể là do trong trứng có nguồn chất béo lecithin, có tác dụng điều hòa lượng choletsterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách và bài xuất nó ra khỏi cơ thể. Lecithin giúp giảm cholesterol, tăng cholesterol tốt và làm giảm cholesterol xấu có trong cơ thể con người.
2. Phô mai
Trước đây nhiều người cho rằng nên hạn chế sữa sẽ giúp kiểm soát cholesterol. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vừa phải các loại thực phẩm từ sữa đầy đủ chất béo có thể là một phần của mô hình ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng. Trong đó, phô mai là loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao nhưng nếu ăn với liều lượng phù hợp lại có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch và đột quỵ.
Vì phô mai là một nguồn cung cấp canxi giúp cơ thể hạn chế hấp thụ chất béo bão hòa. Ngoài ra, lipid hoạt tính sinh học và peptit trong phô mai đều có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
3. Thịt bò
Thịt bò là thực phẩm chứa khá nhiều chất béo bão hòa, tuy nhiên những người có cholesterol cao không cần phải loại bỏ hoàn toàn thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn của mình.
Trong một nghiên cứu năm 2012, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mọi người duy trì mức cholesterol trong máu khỏe mạnh trong khi thực hiện chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt và đậu, với thịt bò nạc là nguồn protein chính.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng thực hiện theo một chế độ ăn uống kiểu Địa Trung Hải bao gồm thịt bò nạc có thể hữu ích. Khi bao gồm thịt bò trong chế độ ăn uống, hãy chọn phần thịt nạc và kiểm tra khẩu phần cần cung cấp cho cơ thể.
4. Ăn tôm đúng cách
Mặc dù tôm, cua, cá là những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, nhưng nó không chứa chất béo bão hòa. Nếu bạn đang cố gắng kiểm soát lượng cholesterol của mình, hãy thử chế biến tôm thành một phần của bữa ăn cân bằng, chẳng hạn như món rau xào với nhiều loại gia vị và thảo mộc hoặc thêm dầu ôliu vào món salad tươi.
5. Thay đổi lối sống để giảm cholesterol
BSCKI. Huỳnh Thị Thúy Ái, chuyên khoa Nội tiết khuyến cáo, thay đổi chế độ ăn uống chỉ là một phần trong việc ngăn ngừa cholesterol cao hoặc kiểm soát cholesterol nếu gây ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Hoạt động thể chất, bỏ hút thuốc và duy trì trọng lượng tối ưu cho cơ thể cũng là thói quen đơn giản, tốt cho tim mạch mà mọi người có thể thực hiện.
Nếu đã thực hiện thay đổi chế độ ăn uống và lối sống mà vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát mức cholesterol, hãy đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Bác sĩ có thể tư vấn và kê thuốc tùy theo tình trạng bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đặc biệt khuyến cáo, để giữ mức cholesterol trong máu ở mức khỏe mạnh cần:
Hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa, đường và muối. Thay vào đó, hãy tập trung vào các loại thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây tươi và rau quả và chất béo không bão hòa, như quả bơ và các loại hạt. Tập trung dành ít nhất 2 giờ 30 phút tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như đi xe đạp hoặc đi bộ nhanh, mỗi tuần. Tránh hút thuốc, điều này làm tổn thương mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.