4 loại tỏi tuyệt đối không chọn mua
Có những củ tỏi bạn tốt nhất không mua về vì không ngon, thậm chí còn gây hại sức khỏe.
Tỏi là gia vị không thể thiếu hàng ngày. Tỏi dùng để thêm vào nước chấm hoặc các món ăn khác nhau. Tỏi được bán rất nhiều ở các khu chợ nên việc mua loại gia vị này không hề khó. Tuy nhiên, nếu tinh ý, tỏi được chia làm nhiều loại, không phải loại nào cũng thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Dưới đây là 4 loại tỏi bạn không nên mua về.
1. Tỏi quá trắng hoặc có màu sậm đen
Nhiều người khi mua tỏi thường nghĩ rằng tỏi có vỏ ngoài rất trắng, củ to, bóng là ngon, sạch. Thực tế thì giá trị dinh dưỡng của loại tỏi này thấp hơn.
Nói chung bạn nên chọn những củ tỏi có vỏ ngoài màu trắng pha chút tím, hoặc toàn bộ vỏ màu tím. Loại tỏi này có chất lượng dinh dưỡng tương đối cao và rất thơm.
Lưu ý, nếu vỏ tỏi đen có nghĩa là trong quá trình bảo quản, tỏi không được bảo quản tốt, vỏ bắt đầu bị nấm mốc. Loại tỏi như vậy tuyệt đối không mua.
2. Tỏi mọc mầm
Hãy quan sát phần đầu của tỏi, nếu bạn thấy nó đã mọc mầm thì tôi khuyên bạn không nên mua. Tuy tỏi nảy mầm không hề độc hại, thậm chí có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nhìn chung, loại tỏi mọc mầm đem nấu ăn thì mùi vị của nó không còn ngon bằng tỏi chưa mọc mầm. Mua về bảo quản cũng không có lợi. Vì vậy, khi chọn tỏi, bạn nhớ chọn loại tỏi không bị dập, không mọc mầm nhé.
3. Tỏi quá mềm
Khi chọn tỏi, chúng ta thường cầm củ tỏi bóp nhẹ để xem có có tươi và chắc củ hay không. Tỏi tươi đủ độ ẩm khi sờ vào sẽ rất cứng, nếu thấy tỏi mềm tức là đã để quá lâu, mất độ ẩm, mùi vị rất kém... Nếu nó bị nhũn sau khi bị dập thì chắc chắn phần tỏi bên trong đã hỏng, biến chất, không nên mua.
4. Tỏi hỏng
Khi mua tỏi, tốt nhất nên chọn những củ còn nguyên càng tốt. Không nên mua những củ có tép bị hỏng, nứt vì như vậy tỏi chứa nhiều vi khuẩn và bụi bẩn, bảo quản không tốt sẽ bị biến chất và chuyển sang màu đen. Do đó, muốn có củ tỏi an toàn, hãy chọn củ đầy đặn, không bị hỏng tép nào.
Sau khi tỏi mua về nhà, cách bảo quản cũng rất quan trọng, để nơi thoáng gió, mát mẻ, bảo quản lạnh có thể ức chế sự nảy mầm của tỏi. Nó cũng có thể được để một giỏ lưới và treo trên ban công ở nơi thoáng gió.
Tham khảo một vài món ăn từ tỏi:
TỎI NGÂM GIẤM ỚT
Nguyên liệu:
- 500gr tỏi
- Quả ớt: khoảng 10 quả
- 400ml dấm gạo (hoặc dấm hoa quả)
- 2 thìa nhỏ muối
- 1 âu nước sôi già
Cách làm:
- Tỏi bóc sạch vỏ áo phía ngoài. Tiếp theo, rửa sạch những tép tỏi.
- Sau đó chuẩn bị 1 âu nước sôi già và cho 2 thìa muối vào.
- Cho tỏi vào âu nước sôi già có muối loãng ngâm khoảng 10 phút việc này sẽ giúp món tỏi ngâm dấm luôn trắng giòn.
- Sau khi ngâm nước sôi xong, vớt tỏi ra rổ để cho ráo nước.
- Cho tỏi và ớt vào lọ sạch, tiếp theo cho dấm vào sao cho ngập ớt và tỏi.
TỎI ỚT NGÂM CHUA NGỌT
Nguyên vật liệu:
- 4 củ tỏi (lựa củ non và mới, loại có tép to)
- 6-7 trái ớt đỏ (dùng ớt đông đá hay ớt tươi đều được )
- 250ml dấm trắng 5%
- 250ml nước
- 70g đường và 1 muỗng canh đường dùng khi ngâm tỏi lúc đầu
- 10g muối
Cách làm:
- Tỏi bóc vỏ, thái lát dày mỏng tùy ý, nhớ bỏ phần lõi bên trong, phần lõi này làm cho tỏi có vị thêm hăng và không ngon. Cho 1 muỗng canh đường vào cùng nước vừa đủ để ngâm trong 10-15 phút (bước này giúp khử bớt mùi hăng của tỏi).
- Rửa sạch nhiều lần với nước lạnh, để ráo, dàn ra phơi nơi có gió cho tỏi mau khô, trong khi đợi tỏi khô thì nấu nước giấm.
- Cho giấm, nước, đường, muối vào nồi nấu, sôi lên để tầm 5 phút thì tắt bếp, để nguội. Bạn nào ít thích ngọt thì nhớ giảm lượng đường một chút nhé!
- Ớt rửa sạch, lau khô, xắt lát cỡ tùy ý
- Lần lượt cho tỏi và ớt vào thẩu/lọ đã tiệt trùng, chế nước giấm vào, đậy kín và cất tủ lạnh.
- Khoảng 2 ngày là tỏi thấm và thơm ngon rồi.
Măng ớt ăn với phở, bún, mì tôm hay pha nước chấm đều ngon.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/4-loai-toi-tuyet-doi-khong-chon-mua-5120202110162313978.htm