4 loại trà hỗ trợ trị tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp có nguy cơ mắc các tình trạng tim mạch khác nhau như đột quỵ và đau tim... Bên cạnh các thuốc điều trị, người bệnh có thể sử dụng các loại trà hỗ trợ hạ huyết áp.
1. Các loại trà tốt cho người tăng huyết áp
Mặc dù tác dụng của trà đối với mỗi người rất khác nhau nhưng có một số loại trà có thể hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
- Trà hoa dâm bụt: Trà dâm bụt được làm từ cánh hoa dâm bụt khô, có vị chua nhẹ, dễ chịu.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trà hoa dâm bụt có chứa các hợp chất, bao gồm anthocyanin và polyphenol, có thể giúp thư giãn mạch máu, dẫn đến giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương.
Cách pha trà: Sử dụng hoa dâm bụt khô lượng vừa phải. Bạn có thể cho thêm đinh hương và vỏ quế theo sở thích để tăng hương vị. Đun nước đến nóng rồi cho đinh hương, quế vào đun sôi. Sau đó thả cánh hoa dâm bụt vào, giảm nhiệt và hãm trong 3-5 phút.
- Trà xanh: Trà xanh chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG), có nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm cả giảm huyết áp. Bên cạnh đó, trà xanh cũng có tác dụng ngăn ngừa hậu quả của tăng huyết áp kiểm soát tốt mỡ máu, giảm xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, một số trường hợp như người bị táo bón, người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, thiếu máu, người bị loét dạ dày, mắc bệnh gout hay bị loãng xương không nên uống nhiều trà xanh vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
- Trà táo gai: Trà táo gai hay còn được gọi là sơn tra được làm từ quả của cây sơn tra. Táo gai có vị hơi ngọt và chua đã được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe tim mạch do loại thảo dược này giúp làm giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và góp phần hạ huyết áp.
Cách pha trà táo gai: Sử dụng 3-4 lát táo gai sấy khô vào nước đun sôi. Đậy nắp và hãm trong 8-10 phút. Nếu bạn dùng bột táo gai xay thô thì sử dụng 1 thìa cà phê bột hãm với nước sôi, lọc bỏ bã trước khi dùng.
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc được làm từ hoa khô của cây hoa cúc (Matricaria chamomilla hoặc Chamaemelum nobile). Hoa cúc thường được sử dụng với mục đích thúc đẩy thư giãn và giảm bớt căng thẳng, có thể gián tiếp có lợi cho huyết áp.
Trà hoa cúc chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như flavonoid, terpenoid và coumarin có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, tác dụng chống ung thư tiềm ẩn và điều hòa huyết áp.
Cách pha trà hoa cúc: Sử dụng hoa cúc khô lượng vừa đủ, dùng nước sôi hãm trong 5-10 phút. Bạn có thể thêm đường phèn hoặc mật ong để tăng thêm hương vị cho trà. Bạn cũng có thể sử dụng 10g cúc hoa, 3g trà búp hãm với nước sôi trong 8-10 phút, uống thay trà.
2. Một số lưu ý khi uống trà hỗ trợ trị tăng huyết áp
Số lượng tách trà cần thiết để hỗ trợ hạ huyết áp khác nhau phụ thuộc vào từng loại trà, thể trạng từng người với mức huyết áp cụ thể, chế độ ăn uống, lối sống hiện tại…
Thời gian cần thiết để trà hạ huyết áp cũng có thể phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại trà, tần suất bạn uống và cách cơ thể phản ứng với trà. Tuy nhiên, có thể bạn cần sử dụng trà thường xuyên trong vài tuần đến vài tháng mới có thể giảm huyết áp ở mức độ vừa phải.
Khi sử dụng trà hỗ trợ giảm huyết áp, bạn cần chú ý một số trường hợp, bao gồm:
- Nhạy cảm với caffeine: Trà, đặc biệt là trà xanh, có chứa caffeine, có thể dẫn đến căng thẳng, rối loạn giấc ngủ hoặc tăng nhịp tim.
- Khó chịu ở dạ dày: Uống quá nhiều trà khi bụng đói có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc trào ngược axit.
- Tương tác với thuốc: Một số loại trà, chẳng hạn như trà xanh, có thể tương tác với một số loại thuốc, ảnh hưởng đến sự hấp thụ hoặc hiệu quả điều trị của chúng. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn lo ngại về tương tác thuốc.
Mời bạn xem tiếp video:
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-loai-tra-ho-tro-tri-tang-huyet-ap-169231025164636523.htm