4 loại vũ khí và chiến thuật đang trở nên lạc hậu trong cuộc xung đột ở Ukraine
Xung đột với Nga đang khiến Ukraine ngày càng phụ thuộc vào vũ khí do các nước thành viên NATO viện trợ. Nhiều vũ khí đã được sử dụng từ rất lâu và xung đột ở Ukraine có thể là lần cuối cùng chúng được vận hành.
Theo trang Popular Mechanics, một quốc gia thường sẽ phát huy hết khả năng trong khoa học và công nghệ để đổi mới vũ khí và chiến thuật nhằm đảm bảo chiến thắng. Khi chạy đua tự chế tạo vũ khí mới, các nước sẽ nhanh chóng loại bỏ vũ khí công nghệ cũ. Xung đột ở Ukraine cũng như vậy. Sau đây là bốn loại vũ khí đã lỗi thời hoặc sắp lỗi thời khi được sử dụng ở Ukraine.
Chiến hào
Chiến hào có từ nhiều thế kỷ trước để bảo vệ bộ binh trước các vũ khí nhỏ và hỏa lực pháo binh. Chiến hào là những hố sâu, dài khoét sâu vào lòng đất, đôi khi kéo dài nhiều km, là chỗ người lính ẩn náu ở những nơi không có gì che chắn. Chiến tranh Thế giới thứ nhất là cuộc chiến tranh chiến hào nổi tiếng nhất.
Mặt trận phía đông của Ukraine có hàng trăm km đường hào. Cả Nga và Ukraine đều đã đào hào tại những nơi hai bên bị sa lầy. Tuy nhiên, nhờ có ngày càng nhiều máy bay không người lái có vũ trang mà các bên tham chiến có thể thả lựu đạn thẳng xuống chiến hào.
Một thứ vũ khí hủy diệt nữa với chiến hào là ngòi nổ cận đích của đại bác cỡ nhỏ, có thể cài đặt điện tử để kích nổ phía trên chiến hào, dội mảnh đạn vào đối phương đang trú ẩn bên trong.
Video pháo tự động Mk-44 Bushmaster nã ngòi nổ cận đích trên chiến hào (nguồn: Popular Mechanics):
Hiện chưa rõ có gì có thể thay thế các chiến hào. Chiến hào dễ đào và không cần thêm vật liệu xây dựng, vì vậy các bên sẽ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục sử dụng chúng. Tuy nhiên, máy bay không người lái có vũ trang sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn và nguy hiểm hơn đối với binh sĩ đội trú ẩn trong chiến hào.
Lựu pháo kéo
Lựu pháo cũng đã có từ hàng trăm năm trước. Đây là loại vũ khí cỡ lớn, nặng và tương đối dễ sản xuất. Lựu pháo được kéo đến vị trí bắn bằng ngựa hoặc xe tải. Một khẩu đội từ bốn đến sáu lựu pháo phải được kéo vào vị trí và tháo dỡ khỏi phương tiện vận chuyển. Sau đó, các nòng pháo được đặt thẳng hàng để cùng lúc dội hỏa lực vào một mục tiêu chung. Quá trình sắp đặt có thể mất 8 phút.
Trong thời chiến, lựu pháo kéo phải hoạt động theo kiểu “bắn và chạy”, tức là bắn rồi nhanh chóng thu dọn và di chuyển đến vị trí mới để tránh bị đối phương phản pháo. Hỏa lực đối kháng từ kẻ thù luôn là một vấn đề đối với các pháo binh. Ngày nay, khi có radar (như AN/TPY-36 của Mỹ cung cấp cho Ukraine), thông tin liên lạc hiện đại và các loại đạn dẫn đường chính xác thì đối phương có thể bắn đạn pháo về phía lựu pháo kéo chỉ trong vài giây, khiến đối phương chưa kịp di chuyển.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể là dấu chấm hết cho pháo kéo. Các loại pháo tự hành, như CAESAR của Pháp, Archer của Thụy Điển và Pz2000 của Đức, đặt pháo trên khung gầm bọc thép có bánh xích, mọi thứ cần thiết để lắp vào và bắn pháo được tích hợp vào xe. Lựu pháo tự hành như CAESAR, đã được viện trợ cho Ukraine, có thể bắn một loạt đạn và sau đó được lái đến vị trí bắn tiếp theo trong vài giây.
Máy bay tiền tuyến có người lái
Được sử dụng trong Thế chiến thứ nhất, máy bay đã được đa dạng hóa để thực hiện hàng chục vai trò trong chiến tranh. Một trong những loại quan trọng nhất là máy bay yểm trợ tầm gần, máy bay cánh cố định hoặc máy bay trực thăng dùng để tấn công các vị trí của đối phương trên tiền tuyến.
Ngày nay, quân đội Mỹ có các máy bay như máy bay trực thăng chiến đấu AC-130J Ghostrider, máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache và A-10 Thunderbolt. Tất cả đều có thể bắn chính xác mục tiêu của kẻ thù trên mặt đất, miễn là kẻ thù không có vũ khí đất đối không tiên tiến.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy một sự thật nguy hiểm rằng trong cuộc chiến hiện đại chống lại kẻ thù được trang bị tốt, máy bay không còn có thể hoạt động gần chiến tuyến. Hệ thống phòng không của Nga đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các máy bay có người lái và không người lái của Ukraine. Các hệ thống tên lửa đất đối không như Tor tầm thấp, Buk tầm trung và hệ thống Triumf tầm xa có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho đối thủ. Mặc dù thực tế là các hệ thống của Nga đều đã cũ nhưng chúng vẫn gây ra mối đe dọa đáng kể.
Máy bay vẫn có thể hoạt động hiệu quả gần chiến trường, nhưng sẽ phải có những thay đổi. Có thể dùng máy bay không người lái để tránh thương vong. Máy bay không người lái có vũ trang có thể trinh sát và sau đó phóng chính xác đầu đạn tiêu diệt xe tăng, cho phép máy bay trực thăng hoạt động xa chiến tuyến hơn mà vẫn hỗ trợ hiệu quả. Khả năng tàng hình có thể khiến lực lượng phòng không khó phát hiện, theo dõi.
Xe tăng
Trong xung đột ở Ukraine, xe tăng đang trở nên lỗi thời. Mặc dù có nhiều yếu tố gây ra những tổn thất nặng nề cho lực lượng tăng, nhưng một yếu tố chính là các loại vũ khí chống thiết giáp của phương Tây như NLAW của Thụy Điển và Javelin của Mỹ. Xe tăng cũng tỏ ra dễ bị tổn thương trước các máy bay không người lái có khả năng thả lựu đạn nổ vào những khu vực dễ bị tổn thương trên xe tăng Nga. Về mặt lý thuyết, một máy bay không người lái được trang bị 6 quả lựu đạn có thể tiêu diệt một trung đội xe tăng.
Nếu một chiếc xe bọc thép 60 tấn, trị giá 10 triệu USD có thể bị vô hiệu hóa chỉ vì một máy bay không người lái thương mại được gắn lựu đạn, thì người ta sẽ đặt ra một câu hỏi rằng liệu chiếc xe thiết giáp đó có còn phù hợp trên chiến trường hay không.
Dù dễ bị tổn thương như xe tăng vào thời điểm hiện tại, nhưng nhờ kết hợp hỏa lực, khả năng bảo vệ và tốc độ nên xe tăng khó thay thế trên chiến trường hiện đại trong tương lai gần. Một số loại vũ khí phòng thủ, như súng máy điều khiển bằng radar, có thể vô hiệu hóa mối đe dọa do máy bay không người lái gây ra với xe tăng, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.