4 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn có 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại
Sau 4 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn đã ghi nhận 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Cơ sở y tế ghi nhận bổ sung một trường hợp tử vong do pháo nổ...
Chiều 12/2, tức mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn, ngộ độc của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các trường đại học, 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Y tế ngành trên toàn quốc cho biết, sau 4 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ ngày 29 Tết đến 7 giờ ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn), số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 35,9%.
Tính từ 7 giờ ngày 11/2 (mùng 2 Tết) - 7 giờ ngày 12/2 (mùng 3 Tết), cả nước có 53 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 4 ca so với cùng ngày Tết Quý Mão 2023, trong đó 29 ca phải nhập viện theo dõi và điều trị.
Tổng sau 4 ngày nghỉ Tết, 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Cơ sở y tế ghi nhận bổ sung một trường hợp tử vong do pháo nổ ngày 9/2. Nạn nhân 15 tuổi (ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng đa tổn thương do pháo nổ, chấn thương sọ não, chấn thương ngực - bụng kín, chấn thương nhãn cầu hai bên, vết thương bỏng độ 3,4 toàn thân, diện tích 80%...
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết trong 4 ngày Tết Giáp Thìn số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 12,7%, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông giảm nhẹ 0,7%. Số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 15,9%.
Từ 7 giờ ngày 11/2 (mùng 2 Tết) - 7 giờ ngày 12/2 (mùng 3 Tết), số lượt khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông là 4.375 trường hợp, giảm 28,7% so với cùng ngày Tết Quý Mão 2023. Số ca phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.764 trường hợp, giảm 7,5%; chuyển tuyến trên điều trị 451 trường hợp.
Tổng sau 4 ngày nghỉ Tết đã có 6.230 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, chiếm 40,3% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 7 giờ ngày 12/2, các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đang chăm sóc, điều trị 104.616 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 49.883 bệnh nhân, tăng 9,0%, trong đó 26.091 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú (chiếm 53%), giảm 3,4% so với cùng ngày Tết Quý Mão 2023.
Các cơ sở y tế đã chuyển viện cho 2.403 bệnh nhân, thực hiện 2.733 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 542 ca phẫu thuật cấp cứu do tai nạn các nguyên nhân.
Các bác sĩ cũng đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 2.850 trẻ chào đời và cho xuất viện 13.665 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết. Tổng hợp sau 4 ngày nghỉ Tết cho thấy, số bệnh nhân đến khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế là 251.656 trường hợp, tăng 28,8%; trong đó 87.672 trường hợp nhập viện nội trú, giảm 0,1%; có 10.052 ca đẻ, mổ đẻ tại cơ sở y tế; 86.902 bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện về nhà ăn Tết , tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, bảo đảm thường trực cấp cứu cho nhân dân.
Liên quan đến công tác y tế dịp Tết Giáp Thìn, báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đàm y tế trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 (Từ ngày 8/2- 11/2 tức từ ngày 29 Tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 2 Tháng Giêng năm Giáp Thìn) cho biết, quán triệt và thực hiện nội dung Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, cụ thể:
Chỉ đạo toàn diện Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2024; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo và nhân viên đơn vị theo quy định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, các điều kiện cần thiết để hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu y tế hoạt động ổn định.
Thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và cán bộ y tế công tác tại đơn vị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an triển khai các phương án bảo đảm công tác an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm, phòng chống cháy nổ và vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế; khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ Tết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
Phân công các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị và chuyên viên thường trực, chỉ đạo công tác y tế trong các ngày Tết; Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ trực Tết, bảo đảm thường trực gồm: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Y tế thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến hàng ngày đầy đủ, đúng giờ để tổng hợp gửi Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng. Nội dung báo cáo về công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, tình hình an toàn thực phẩm, tình hình đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ khám chữa bệnh và các vấn đề khác.
Yêu cầu các đơn vị đảm bảo triển khai các công việc đúng tiến độ, triển khai các công việc nghiêm túc, đầy đủ ngay sau Tết.