4 nguy cơ gây thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ (hay còn gọi thoái hóa cột sống cổ) là tình trạng thoái hóa hệ thống xương cột sống cổ do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do công việc hoặc do tuổi tác.
Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý mạn tính, tình trạng bệnh diễn biến chậm nhưng những tổn thương mà bệnh gây ra lại rất khó phục hồi. Vì vậy, việc hiểu rõ để phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Thoái hóa đốt sống cổ là một trong những căn bệnh phổ biến của xã hội. Thoái hóa đốt sống cổ không chỉ ở những người cao tuổi mà còn ở cả những người trẻ tuổi thường làm việc trong văn phòng, ít vận động cơ thể hoặc phải cúi nhiều.
Đây là bệnh thường gặp ở những người phải sử dụng nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ. Thoái hóa đốt sống cổ gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như trong lao động cho người bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh gặp ở cả nam và nữ, gần như ngang nhau.
Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ phổ biến là:
Khi con người già đi các cấu trúc tạo nên cột sống dần bị hao mòn gây nên thoái hóa cột sống cổ. Những thay đổi này có thể bao gồm:
Đĩa đệm mất nước: Đĩa đệm hoạt động giống như miếng đệm giữa các đốt sống của cột sống. Ở tuổi 40 hầu hết các đĩa đệm cột sống bắt đầu khô và co lại. Khi các đĩa đệm trở nên nhỏ hơn, xương giữa các đốt sống sẽ tiếp xúc với nhau nhiều hơn.
Thoát vị đĩa đệm: Các vết nứt xuất hiện ở mặt ngoài của đĩa đệm cột sống khiến nhân nhầy chui qua những vết nứt này, đôi khi đè lên tủy sống và rễ thần kinh.
Gai xương: Khi đĩa đệm thoái hóa có thể gây ra hiện tượng tăng sinh xương để củng cố cột sống, hình thành nên những gai xương. Những gai xương này đôi khi có thể chèn ép tủy sống và rễ thần kinh.
Xơ cứng dây chằng: Dây chằng là tổ chức sợi nối xương với xương. Dây chằng có thể cứng lại theo tuổi tác, làm cho cổ kém linh hoạt.
Những nguy cơ gây thoái hóa cột sống cổ
Thường xuyên hoạt động sai tư thế
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không chỉ gặp ở người cao tuổi mà còn gặp ở cả những người trẻ tuổi, thường làm việc trong văn phòng, ít vận động cơ thể hoặc phải cúi nhiều. Một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra thoái hóa đốt sống cổ ở nhiều đối tượng khác nhau là do thường xuyên hoạt động sai tư thế.
Các tư thế sai của người bệnh có thể là: Duy trì một tư thế làm việc quá lâu, ít vận động, đi lại hoặc do tính chất công việc phải cúi đầu, ngửa cổ quá nhiều hoặc thường xuyên mang vác vật nặng trên đầu, trên vùng lưng – cổ.
Ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, ngồi vặn vẹo, ngủ gục trên bàn… cũng gây ảnh hưởng đến vùng cột sống cổ, lâu dần sẽ gây ra hiện tượng thoái hóa....
Tuổi tác
Là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nguyên nhân này có tác động nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào chế độ sinh hoạt và chăm sóc bản thân của mỗi người.
Các nghiên cứu về xương khớp chỉ ra rằng, độ tuổi trung niên từ 40 đến 50 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ cao nhất. Ở giai đoạn này quá trình lão hóa xương khớp bắt đầu được đẩy nhanh đặc biệt nếu trước đó bạn không tuân thủ về chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng không khoa học
Thường xuyên ăn uống thiếu chất, thiếu canxi, kali, sắt, vitamin… trong thực đơn hàng ngày hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ ngọt, đồ uống có gas làm đốt sống dễ dàng bị thiếu dưỡng chất và tình trạng thoái hóa xương khớp sẽ xảy ra.
Do các chấn thương
Những người từng bị chấn thương tại vùng cổ do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể dục thể thao, trong sinh hoạt thường ngày... đều có nguy cơ dẫn đến thoái hóa. Đặc biệt là trong trường hợp các vết thương không được điều trị dứt điểm.
Khi nào thoái hóa cột sống cổ cần phải đi khám?
Hầu hết các trường hợp thoái hóa cột sống cổ không có triệu chứng, ở một số trường hợp sẽ xuất hiện cảm giác đau và cứng cổ.
Đôi khi thoái hóa cột sống cổ dẫn đến hẹp ống sống, chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh, khiến người bệnh gặp một số triệu chứng như:
Ngứa ran, tê rần và yếu ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân.
Phối hợp động tác hạn chế và đi lại khó khăn.
Mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Để tránh các biến chứng nghiêm trọng, người bệnh cần thăm khám ngay khi gặp các triệu chứng như: đột ngột bị tê hoặc yếu tay/chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-nguy-co-gay-thoai-hoa-cot-song-co-169240701223520926.htm