4 sai lầm khi xin việc vào công ty Nhật bạn nên tránh
Làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản luôn là mong muốn của rất nhiều người vì môi trường chuyên nghiệp và đãi ngộ hấp dẫn. Đi cùng với đó là những yêu cầu gắt gao không chỉ về mặt năng lực, chuyên môn và còn về thái độ, tác phong.
Rất nhiều bạn trẻ vì thiếu kinh nghiệm nên mắc phải một số lỗi trong quá trình nộp hồ sơ và phỏng vấn việc làm tiếng Nhật ở TPHCM, Hà Nội… nên bị loại một cách rất đáng tiếc, điển hình là những điều sau.
CV không đúng quy chuẩn
Bước đầu tiên và có lẽ cũng là quan trọng nhất đó là ứng viên gửi CV không đúng quy chuẩn. Mặc dù không quá khác biệt so với các mẫu CV thông thường, tuy nhiên hầu hết công ty Nhật Bản đều yêu cầu ứng viên phải trình bày đầy đủ các thông tin cần thiết. Cấu trúc một bản CV chuẩn bao gồm các phần:
- Thông tin cá nhân 「基本情報欄」
- Học vấn và kinh nghiệm làm việc 「学歴・職歴欄」
- Các bằng cấp hoặc chứng chỉ「免許・資格欄」
- Điểm mạnh và lý do ứng tuyển 「応募理由」
- Nguyện vọng công việc 「本人希望欄」
- Các thông tin khác 「その他の情報」
Sau khi nắm được cấu trúc cơ bản của CV, ứng viên cần trình bày rõ ràng các thông tin ở từng phần để nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi. Đối với các từ khóa hoặc thuật ngữ chuyên ngành, hãy tham khảo trước khi điền vào CV. Lưu ý không nên bỏ qua bất cứ phần nào, thay vào đó nên tìm ra thông tin phù hợp để CV của bạn không bị quá ngắn. Bạn cũng có thể đưa ảnh thẻ cá nhân vào CV để tăng mức độ chuyên nghiệp.
Tự tin quá mức
Một trong những đặc điểm nổi bật trong văn hóa sinh hoạt và làm việc của người Nhật đó là đức tính khiêm tốn. Đây chắc chắn sẽ là một yêu cầu mà các doanh nghiệp mong muốn nhìn thấy ở nhân viên của mình. Vì vậy khi ứng tuyển vào công ty Nhật Bản, bạn rất dễ bị đánh trượt nếu thể hiện bản thân quá mức trong CV hoặc trong buổi phỏng vấn.
Để giữ một phong thái dứt khoát tự tin nhưng không tự cao, ứng viên nên lưu ý về kính ngữ trong CV. Khi phỏng vấn, hãy chú ý không nâng cao tông giọng, sử dụng nhịp điệu vừa phải và hạn chế ngôn ngữ cơ thể. Nếu được hỏi về các bằng cấp hoặc thành tựu nổi bật, bạn hãy khiêm nhường và thể hiện tinh thần cầu tiến và tiếp tục hoàn thiện. Không những nói về bản thân mình, ứng viên có thể tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng bằng cách dành lời khen đến những người đồng nghiệp hoặc cấp trên đã làm việc trong thời gian trước đó.
Không tìm hiểu về công ty
Không chỉ công ty Nhật Bản mà hầu như công ty nào cũng yêu cầu ứng viên tìm hiểu trước khi đến buổi phỏng vấn. Tuy nhiên với đặc thù là môi trường quốc tế và tinh thần tự tôn tập thể cao, các công ty Nhật Bản đề cao điều này lên trên hết. Sẽ rất khó để bạn hoàn thành buổi phỏng vấn mà không trả lời được những câu hỏi về sản phẩm hoặc giá trị của doanh nghiệp Nhật Bản.
“Bạn biết gì về công ty chúng tôi?” là một trong những câu hỏi chắc chắn bạn sẽ gặp khi phỏng vấn làm việc với người Nhật. Ngoài các thông tin về sản phẩm, dịch vụ thì văn hóa doanh nghiệp sẽ là điều mà ứng viên cần nghiên cứu. Thông qua các cổng thông tin chính thức của doanh nghiệp hoặc qua các bài báo uy tín, ứng viên sẽ có thêm nhiều góc nhìn về công việc đang ứng tuyển, từ đó hiểu về tinh thần làm việc, sứ mệnh xã hội mà doanh nghiệp đang hướng đến.
Thiếu trung thực, lịch sự
Không ít ứng viên nghĩ rằng người Nhật ưa chuộng những người có thành tích cao vì vậy có thể gây ấn tượng bằng cách nói quá về những thành tựu đã được. Tuy nhiên thói quen này rất dễ khiến bạn nhận điểm trừ do thiếu trung thực. Rõ ràng bên cạnh khiêm tốn thì trung thực cũng là phẩm chất mà các quản lý người Nhật đánh giá cao ở nhân viên. Vì vậy bạn cần hạn chế lỗi này trong quá trình xin việc để tránh hình thành thói quen không tốt.
Đi kèm với trung thực là một phong thái lịch sự, tế nhị khi có những cuộc trò chuyện hoặc gặp gỡ nhà tuyển dụng. Ứng viên tuyệt đối tránh trễ hẹn hoặc cắt lời nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn không biết tiếng Nhật, hãy luyện tập một số mẫu câu chào thông dụng và thể hiện mong được giúp đỡ. Đây đều là nghi thức giao tiếp không thể thiếu trong văn hóa công sở mà bạn nên biết để tránh bị nhận xét là bất lịch sự.
Trên đây là 4 sai lầm tai hại khi xin việc vào công ty Nhật bạn nên tránh. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích để bạn chinh phục công việc phía trước.