4 tại chỗ, sát thực tế

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật; áp thấp nhiệt đới, bão và các hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa lớn kéo dài, triều cường, sạt lở đất ven sông... xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn hơn, nguy hiểm hơn. Ðể chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh vừa xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Các phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh gồm: ứng phó với bão gần biển Ðông, ứng phó với bão trên biển Ðông, ứng phó với bão khẩn cấp, ứng phó trong thời gian bão đổ bộ (bão trên đất liền) và phương án khắc phục hậu quả thiên tai. Các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão được thực hiện theo phương châm “chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương, có hiệu quả”, trong đó lấy phòng là chính.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật. (Trong ảnh: Tuyến đường bị sụt lún tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật. (Trong ảnh: Tuyến đường bị sụt lún tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). (Ảnh minh họa)

Ðể đảm bảo cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão mạnh, siêu bão phát huy hiệu quả, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phân công chỉ đạo theo 5 khu vực, mỗi khu vực được sự chỉ đạo điều hành của trưởng khu vực. Cụ thể, khu vực 1: TP Cà Mau; khu vực 2: huyện U Minh và huyện Thới Bình; khu vực 3: huyện Trần Văn Thời và huyện Phú Tân; khu vực 4: huyện Ðầm Dơi và huyện Cái Nước; khu vực 5: huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển.

Lực lượng được huy động từ các sở, ngành, đơn vị tỉnh đến huyện, TP Cà Mau, xã, phường, thị trấn tham gia công tác phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão. Ngoài ra, còn có các lực lượng chuyên trách cấp tỉnh như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Tùy theo tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng của bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.

Căn cứ phương án chung của tỉnh, từng sở, ngành, địa phương sẽ xây dựng phương án chi tiết để triển khai thực hiện; đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin dự báo tình hình, diễn biến ứng phó với bão mạnh, siêu bão để cập nhật, điều chỉnh một cách linh hoạt, sát với tình hình thực tế.

Năm 2024, theo dự báo của Ðài Khí tượng thủy văn Cà Mau, bão, áp thấp nhiệt đới ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khoảng 10-12 cơn bão trên biển Ðông, trong đó khoảng 5-6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Từ nay đến tháng 9/2024, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Ðề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2024.

“Huy động, sử dụng các nguồn lực phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, rà soát tình hình thực tế để kịp thời cập nhật, điều chỉnh linh hoạt các kịch bản ứng phó đảm bảo sát thực tế theo phương châm "4 tại chỗ”. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị... kịp thời ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Thông tin, thông báo phải kịp thời, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ; tập trung vào những khu vực trọng điểm, xung yếu, nơi dự kiến cơn bão đi qua. Sẵn sàng triển khai các phương án di dời, sơ tán dân đến nơi trú bão an toàn; đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phương tiện và trang thiết bị trong suốt quá trình triển khai phương án, ưu tiên đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và phụ nữ mang thai, người khuyết tật...”, ông Vũ yêu cầu.

Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi xảy ra bão nhằm phát huy tinh thần tự giác trong cộng đồng cùng với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham gia công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của bão./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/4-tai-cho-sat-thuc-te-a33467.html