4 tháng đầu 2023: Doanh số ô tô toàn thị trường giảm 30%, lượng tồn kho lớn
Tiếp đà sụt giảm của quý 1, doanh số thị trường ô tô Việt Nam trong 4 tháng năm 2023 ghi nhận giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do lượng xe tồn kho lớn, sức mua suy giảm mạnh…
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm 47% so với cùng kỳ tháng 4/2022.
Trong đó, doanh số bán xe du lịch trong tháng 4/2023 đạt 15.748 du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Theo đó, doanh số xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51% so với tháng trước.
Ngoài ra, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường xe ô tô tính đến hết tháng 4/2023 giảm 30% so với 2022, đạt 92.801 xe. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 58% so với năm ngoái. Đồng thời, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 39% trong khi xe nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các xe bán nhiều nhất tháng 4/2023, VinFast VF e34 vươn lên dẫn đầu cho thấy xu thế mới được ưa chuộng của xe ô tô điện. Tháng 4 cũng là tháng hãng taxi điện Xanh SM khai trương, trong đó dòng VF e34 chiếm số lượng lớn, điều này góp phần tích cực cho doanh số của VF e34 vươn lên dẫn đầu.
Thực tế cho thấy, các “ông lớn” trong ngành phân phối ô tô cũng đã ghi nhận lợi nhuận tuột dốc trong quý I/2023. Đơn cử, công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico – mã chứng khoán: SVC) mới đây đã công bố báo cáo tài chínhhợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 4.792 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó, giá vốn bán hàng tăng 579 tỷ đồng lên 4.791 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp quý này của công ty chỉ đạt 322 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý I năm ngoái.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Savico đều ghi nhận tăng lần lượt 19% và 14%, lên 171 tỷ đồng và 121 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Savico chỉ ghi nhận mức lãi sau thuế là 14,7 tỷ đồng trong quý I, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2022, mức thấp nhất trong vòng 5 quý gần đây.
Giải trình về kết quả kinh doanh kém sắc, Savico cho biết, trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung của các hãng xe dồi dào song sức mua chậm do ảnh hưởng chung từ sụt giảm toàn thị trường, làm tăng mạnh giá trị hàng tồn kho. Mặt khác, các chi phí hoạt động tăng cùng chi phí lãi vay cao làm chỉ tiêu lợi nhuận của Savico giảm mạnh.
Tương tự, “đại gia” phân phối Mercedes-Benz – Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco – mã chứng khoán: HAX) cũng vừa ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi về lợi nhuận .
Cụ thể, trong quý 1/2023, doanh thu thuần của Haxaco chỉ đạt gần 993 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nắm thị phần phân phối Mercedes-Benz lớn nhất Việt Nam cũng chỉ ghi nhận mức lãi trước thuế 5,6 tỷ đồng trong quý I, giảm khoảng 92% so với cùng kỳ và lãi ròng thu về chỉ 3,5 tỷ đồng.
Theo Haxaco, nguyên nhân chính là do thị trường ô tô Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao và khó khăn của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu tiêu dùng phân khúc xe ô tô cao cấp giảm so với năm 2022.
Đầu năm, VAMA và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng đã đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước (CKD). Sau đó, nhóm các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu cũng đề nghị áp dụng chung chính sách hỗ trợ đối với cả xe CKD và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Doanh nghiệp ô tô đã kỳ vọng nếu chính sách này được chấp thuận lần thứ ba sẽ tạo động lực lớn cho ngành, góp phần cải thiện sức cầu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản nêu quan điểm không đồng tình với chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ. Các doanh nghiệp đã không còn trông mong vào “cú huých” từ chính sách, do đó để đẩy nhanh hàng tồn kho, các doanh nghiệp đã tiến hành tung hàng loạt chiến dịch giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.