4 triệu chứng cảnh báo ung thư phổi thường bị bỏ qua do nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường

Một số bệnh đường hô hấp cũng có những triệu chứng giống như ung thư phổi, chẳng hạn như hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản, dị ứng,...

Phát hiện ung thư phổi sớm có thể điều trị thành công, loại bỏ được tế bào ung thư. Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn muộn, quá trình điều trị sẽ khó khăn và có thể không hiệu quả. Do đó, bạn nên chú ý đến các triệu chứng ung thư phổi và tầm soát ung thư sớm.

Bệnh lý hô hấp có triệu chứng giống với ung thư phổi

Những người có triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu có thể nhầm lẫn với các triệu chứng của một số bệnh lý về đường hô hấp như:

- Viêm phế quản cấp tính: là tình trạng viêm của các ống phế quản - đây là đường dẫn khí chính đến phổi. Các triệu chứng của viêm phế quản bao gồm ho (thường có chất nhầy), đau ngực, khó thở và thở khò khè.

- Viêm phổi: là tình trạng nhiễm trùng phổi do nhiễm vi-rút, vi khuẩn hoặc nấm. Các triệu chứng bao gồm đau ngực khi thở hoặc ho, ớn lạnh, ho, sốt và khó thở.

- Bệnh lao: là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bắt đầu ở phổi nhưng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh lao bao gồm ho có đờm lẫn máu, cũng như đau ngực và khó thở. Mệt mỏi cũng là triệu chứng phổ biến.

- Dị ứng: xảy ra khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng (ví dụ như phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc). Các triệu chứng dị ứng phổ biến bao gồm nghẹt mũi, hắt hơi, sưng, phát ban và hen suyễn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dị ứng, các triệu chứng cũng có thể bao gồm tức ngực, ho, khó thở và thở khò khè.

- Hen suyễn: là bệnh mãn tính, một số tác nhân kích thích như phấn hoa, nhiễm trùng hoặc khói có thể khiến đường thở bị viêm và hẹp lại. Đường thở bị thu hẹp có thể gây khó thở. Các triệu chứng hen suyễn phổ biến bao gồm ho, tức ngực, khó thở và thở khò khè.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): ho dai dẳng, khó thở, tiết chất nhầy là những triệu chứng phổ biến của bệnh COPD.

1. 4 triệu chứng ung thư phổi dễ gây nhầm lẫn

Dưới đây là 4 triệu chứng ung thư phổi dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường.

1.1. Đau ngực

Đau ngực là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi,... nhưng đây cũng là dấu hiệu sớm của ung thư phổi.

Tuy nhiên, cơn đau ngực liên quan đến ung thư phổi thường sẽ diễn ra dai dẳng. Cơn đau có thể tăng lên khi cười, ho hoặc hít thở sâu. Cơn đau do ung thư phổi do khối u chèn ép dây thần kinh ở các mô lót và xung quanh phổi hoặc ở lưng hoặc xương sườn hoặc sự lan rộng của ung thư đến xương sườn hoặc xương cột sống hay đơn giản là ho quá nhiều nên dẫn tới đau ngực.

Cơn đau này có thể ở ngực nhưng cũng có thể được cảm nhận như đau vai hoặc đau lưng.

Cơn đau ngực liên quan đến ung thư phổi thường sẽ diễn ra dai dẳng (Ảnh: ST)

Cơn đau ngực liên quan đến ung thư phổi thường sẽ diễn ra dai dẳng (Ảnh: ST)

1.2. Khó thở

Khó thở là triệu chứng của hầu hết các bệnh lý đường hô hấp, bao gồm cả ung thư phổi.

Có thể phân biệt khó thở khi nào là do ung thư phổi không?

Mặc dù khó có thể nhận biết ung thư phổi chỉ qua triệu chứng khó thở, nhưng đây cũng là một dấu hiệu quan trọng để bạn quan tâm đến sức khỏe hơn.

Khó thở đột ngột có thể xảy ra trong giai đoạn đầu của ung thư phổi. Khó thở xảy ra khi bạn bắt đầu thở nặng hơn hoặc nhanh hơn để cố gắng đưa đủ không khí vào phổi. Bạn có thể thở nặng nề mặc dù bạn không gắng sức. Ngực của bạn cũng có thể cảm thấy căng cứng.

Khó thở thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ như ung thư biểu mô tuyến, loại ung thư phổi phổ biến nhất.

1.3. Khàn giọng hoặc thở khò khè

Ung thư phổi có thể làm thay đổi cách không khí di chuyển qua khí quản và dây thanh quản, dẫn đến những thay đổi ở giọng nói, bao gồm giọng khàn hơn hoặc khàn tiếng. Tình trạng khàn tiếng này có thể do ho hoặc do khối u tác động vào dây thanh quản theo một cách nào đó.

Ung thư phổi cũng có thể gây ra chứng thở khò khè - một triệu chứng phổ biến ở các bệnh lý về đường hô hấp.

Ung thư phổi cũng có thể gây ra chứng thở khò khè (Ảnh: ST)

Ung thư phổi cũng có thể gây ra chứng thở khò khè (Ảnh: ST)

1.4. Ho dai dẳng

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các hạt gây kích ứng trong cổ họng hoặc phổi hoặc do hút thuốc hay do trời lạnh, cảm cúm, cảm lạnh, Co-vid19, viêm phế quản, viêm phổi,... Tuy nhiên, ho dai dẳng có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn là triệu chứng ung thư phổi.

Khoảng một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đều bị ho dai dẳng. Cơn ho liên quan đến ung thư phổi có thể tự phát triển (không phải sau khi bị bệnh) và ngày càng trầm trọng hơn.

Ho dai dẳng, mãn tính là tình trạng ho không khỏi và kéo dài ít nhất 8 tuần. Có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Ho có thể khiến bạn mất ngủ vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thậm chí có thể gây đau đớn.

Trên đây là 4 triệu chứng có thể cảnh báo ung thư phổi nhưng cũng là triệu chứng của nhiều tình trạng hô hấp khác. Do đó, bạn không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng này, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng ung thư phổi khác mà bạn nên lưu ý:

- Ho ra máu

- Mệt mỏi

- Nhiễm trùng phổi thường xuyên

- Mất cảm giác thèm ăn

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

Triệu chứng ung thư phổi khi khối u đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể:

- Đau xương

- Đau đầu

- Sưng ở mặt hoặc cổ

2. Cách điều trị và tiên lượng của ung thư phổi

* Cách điều trị

Các phương pháp điều trị ung thư phổi tập trung vào việc loại bỏ ung thư trong cơ thể bạn hoặc làm chậm sự phát triển của nó. Các phương pháp điều trị có thể loại bỏ các tế bào ung thư, giúp tiêu diệt chúng hoặc ngăn chúng sinh sôi hoặc dạy hệ thống miễn dịch của bạn chống lại chúng.

Một số liệu pháp cũng được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và giảm đau. Phương pháp điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào loại ung thư phổi bạn mắc phải, vị trí và mức độ lan rộng của khôi u và nhiều yếu tố khác.

* Về tiên lượng

Một số loại ung thư phổi có thể thuyên giảm hoặc không có bằng chứng về bệnh (không thấy tế bào ung thư) nếu được chẩn đoán trước khi chúng di căn. Nếu bạn thuyên giảm hoặc không thấy bằng chứng về bệnh trong 5 năm trở lên, bạn có thể được coi là đã chữa khỏi. Tuy nhiên, luôn có một khả năng nhỏ là các tế bào ung thư có thể quay trở lại.

* Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi là bao nhiêu?

Tỷ lệ sống sót của ung thư phổi phụ thuộc rất nhiều vào mức độ ung thư đã lan rộng khi được chẩn đoán, cách nó đáp ứng với điều trị, sức khỏe tổng thể của bạn và các yếu tố khác. Ví dụ, đối với các khối u nhỏ chưa di căn đến các hạch bạch huyết, tỷ lệ sống sót là 90% đối với các khối u nhỏ hơn 1 cm, 85% đối với các khối u từ 1 đến 2 cm và 80% đối với các khối u từ 2 đến 3 cm.

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm đối với bệnh ung thư phổi được chẩn đoán ở bất kỳ giai đoạn nào là 22,9%. Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm theo mức độ di căn của ung thư là:

- 61,2% (64% đối với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, 29% đối với ung thư phổi tế bào nhỏ) đối với ung thư giới hạn ở một bên phổi.

- 33,5% (37% đối với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, 18% đối với ung thư phổi tế bào nhỏ) đối với ung thư di căn đến các hạch bạch huyết.

- 7% (26% đối với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, 3% đối với ung thư phổi tế bào nhỏ) đối với ung thư di căn đến các cơ quan khác.

Trên đây là những triệu chứng ung thư phổi mà mọi người nên cảnh giác. Mặc dù không có các triệu chứng trên, bạn vẫn nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt những người hút thuốc, làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc có người trong gia đình bị ung thư phổi.

Nguồn: Verywellhealth

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/4-trieu-chung-canh-bao-ung-thu-phoi-thuong-bi-bo-qua-do-nham-lan-voi-benh-ho-hap-thong-thuong-2025020810484802.htm