4 yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong năm 2023
ACBS không loại trừ khả năng NHNN có thể tăng dần lãi suất điều hành thêm 0,5-1% trong năm 2023 để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
Như VietTimes đã đưa tin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 4,75-5%, đồng thời phát ra tín hiệu giữ lộ trình lãi suất dự kiến cho năm 2023 là 5,25% và giữ nguyên mức này cho đến năm 2024.
Tham khảo dự báo kinh tế mới của FED, CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) nhận thấy triển vọng kinh tế trở nên tiêu cực hơn theo thời gian.
Theo đó, FED đã hạ triển vọng kinh tế Mỹ với tăng trưởng GDP chỉ 0,4% vào năm 2023 (so với 0,5% dự báo vào tháng 12/2022), cho thấy FED kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ hạ nhiệt khi nền kinh tế tiếp tục chống lại lạm phát cao.
Ngoài ra, FED cũng tăng dự báo trung bình về lạm phát trong năm 2023, được đo bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), sẽ tăng 3,3% trong suốt năm 2023 (nhanh hơn mức 3,1% dự báo vào tháng 12/2022).
Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp
Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, ACBS duy trì kỳ vọng lạm phát của Việt Nam năm 2023 từ 3,2-4,5%, nằm trong mục tiêu 4,5% của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ACBS dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ Đồng Việt Nam (VND) từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, do nhu cầu về vốn vay vẫn thấp (do lãi suất cao hơn nhu cầu của nền kinh tế) và nguồn USD đổ vào Việt Nam đang dồi dào giúp hỗ trợ tỷ giá cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng, ACBS dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể được duy trì thấp trong thời gian tới.
Ở hướng ngược lại, do áp lực từ việc tăng lãi suất điều hành của FED (FFR) vẫn còn, ACBS cũng không loại trừ khả năng áp lực tỷ giá quay trở lại. Lúc này, NHNN sẽ phải giảm thanh khoản thị trường liên ngân hàng để đẩy lãi suất VND không quá chênh lệch so với lãi suất USD.
"Trong trường hợp đó, chúng tôi dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể dao động xung quanh mốc 5-6% nếu như áp lực tỷ giá quay trở lại", ACBS nhận định.
Ngoài ra, ACBS dự kiến NHNN có thể giữ nguyên chính sách điều hành hiện hành với mức lãi suất điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp FED cần mạnh tay hơn với kế hoạch tăng lãi suất, ACBS cho rằng NHNN có thể tăng dần lãi suất điều hành (nhất là lãi suất tái cấp vốn) thêm 0,5-1% trong cả năm 2023 để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
4 yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong năm 2023
Theo ACBS, áp lực mất giá của VND trong năm 2023 sẽ thấp bởi 4 yếu tố.
Thứ nhất, đồng USD suy yếu trong thời gian gần đây đã góp phần làm cho VND mạnh. Xu hướng này được dự báo có thể tiếp tục do FED dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Thứ hai, FDI giải ngân dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do Việt Nam vẫn là nhà sản xuất chi phí thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và chi phí lao động cạnh tranh hơn trong khu vực. Điều này có thể hấp dẫn các doanh nghiệp FDI đầu tư và thành lập nhà máy sản xuất, mang lại nhiều USD hơn cho Việt Nam.
Thứ ba, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ, đặc biệt đến từ du lịch quốc tế (doanh thu bán lẻ dịch vụ lữ hành năm 2022 tăng 271% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng 124% trong 2 tháng đầu năm 2023), cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn ngoại.
Cuối cùng, dự báo kinh tế mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 lên 2,9%, từ mức 2,7% được dự báo vào tháng 10/2022, nhờ đó, hoạt động xuất khẩu, một trong những nguồn cung cấp USD chính cho Việt Nam, có thể vẫn khả quan trong năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể điều chỉnh.
Nhìn chung, ACBS dự báo VND có thể tăng giá nhẹ trong nửa sau năm 2023./.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/4-yeu-to-ho-tro-ty-gia-trong-nam-2023-post165237.html