Giải mã thành công của ngành sản xuất Trung Quốc
Ngành sản xuất Trung Quốc đang dẫn đầu toàn cầu về xe điện, chip bán dẫn và dịch vụ hậu mãi. Bí quyết nằm ở giáo dục đại chúng, mô hình Liên Xô và chiến lược cạnh tranh nội địa đầy khác biệt.

Robot lắp ráp xe ô tô điện của hãng Voyah tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 1/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Bình luận với kênh truyền thông Project Syndicate mới đây, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc Zhang Jun, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Fudan cho rằng, tính đến nay ngành sản xuất Trung Quốc đã có những bước tiến dài và xét trên một số phương diện, ngành này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là động lực thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chế tạo của Trung Quốc 20 năm trước, thì hiện nay hầu hết các công ty này đang rời khỏi Trung Quốc, mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh trong nước. Và những công ty Trung Quốc thống trị này không chỉ giới hạn ở sản xuất giá trị gia tăng thấp như trước. Họ là những người dẫn đầu toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, chẳng hạn như chất bán dẫn và xe điện, nơi họ nắm giữ lợi thế tuyệt đối về giá.
Trung Quốc ngày nay gợi nhớ đến Nhật Bản và Hàn Quốc thời hoàng kim. Vào những năm 1970, Nhật Bản sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm đồ gia dụng và ô tô, vượt trội hơn hẳn các sản phẩm thay thế của Mỹ. Và vào những năm 1990, Hàn Quốc nổi lên như một cường quốc trong ngành công nghiệp điện tử và ô tô. Điểm khác biệt là GDP bình quân đầu người của Nhật Bản vào những năm 1970 và Hàn Quốc vào những năm 1990 gần bằng một nửa của Mỹ, nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc, tính theo giá trị danh nghĩa, chỉ bằng chưa đến 16% của Mỹ hiện nay (13.300 USD, so với 85.800 USD).
Câu hỏi hiển nhiên là làm thế nào một quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp như vậy lại có thể đạt nhiều thành tựu công nghệ trong nhiều lĩnh vực đến vậy. Một câu hỏi khác, có lẽ thú vị hơn, là làm thế nào Trung Quốc có thể giữ giá thành các công nghệ tiên tiến mà họ sản xuất ở mức thấp như vậy. Trong cả hai trường hợp, một phần quan trọng của câu trả lời chính là quy mô khổng lồ của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Zhang, nếu một quốc gia đông dân có thể cung cấp nền giáo dục chất lượng cao cho người dân, cuối cùng họ sẽ tích lũy được nguồn nhân lực đáng kể. Một quốc gia như vậy sẽ học hỏi dễ dàng hơn từ các nền kinh tế tiên tiến và phát triển năng lực đổi mới riêng sớm hơn trong quá trình phát triển. Mặc dù Trung Quốc có ít giao thương với phương Tây trong thời kỳ Mao Trạch Đông, nhưng nước này có một đội ngũ tinh hoa đông đảo đã từng học tại các trường đại học phương Tây.
Nhóm này đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trung Quốc, giúp công nghiệp hóa nền kinh tế với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Liên Xô. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã thiết lập thành công một hệ thống giáo dục cơ bản hiện đại vào những năm 1950, miễn phí cho tất cả trẻ em Trung Quốc bất chấp mức độ nghèo đói cao của nước này, đồng thời tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học.
Hầu hết các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc thời bấy giờ đều được thành lập bởi các tổ chức tôn giáo và các nhóm truyền giáo phương Tây vào cuối triều đại nhà Thanh (kết thúc năm 1911) và đầu thời kỳ 1911-1949. Tuy nhiên, dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã áp dụng mô hình giáo dục đại học của Liên Xô, nhấn mạnh đào tạo nghề và kỹ thuật, đặc biệt chú trọng vào khoa học và kỹ thuật. Khác với mô hình phương Tây, vốn nhấn mạnh giáo dục khai phóng, hệ thống giáo dục Liên Xô hướng đến mục tiêu đào tạo ra những chuyên gia có trình độ thực tiễn.
Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã duy trì mô hình cơ bản này và ngày càng dễ tiếp cận hơn. Kể từ quyết định mở rộng tuyển sinh đại học của chính phủ vào năm 1999, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm đã tăng vọt từ một triệu người năm 1999 lên 12 triệu người hiện nay, với khoảng một nửa trong số đó có bằng cấp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học. Hiện nay, Trung Quốc có số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học) gần gấp năm lần so với Mỹ và số lượng kỹ sư gấp bảy lần. Điều này giải thích tại sao, không giống như người tiêu dùng Mỹ, người tiêu dùng Trung Quốc được hưởng các dịch vụ hậu mãi (hỗ trợ sau bán hàng) và bảo trì hiệu quả, giá cả phải chăng và rộng rãi cho các sản phẩm họ mua, từ đồ điện tử đến xe điện.
Trung Quốc cũng nhận thấy giá trị của việc học hỏi từ phương Tây, với hơn sáu triệu sinh viên du học tại các trường đại học nước ngoài trong 40 năm qua, phần lớn trong số họ đã trở về Trung Quốc sau khi hoàn thành việc học. Điều này đã đóng góp đáng kể để Trung Quốc bắt kịp trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong hai thập kỷ qua.
Nhưng giáo dục chỉ là một phần của quá trình. Quyết định năm 1979 của Trung Quốc cho phép các công ty trong nước thành lập liên doanh với các công ty nước ngoài đã dẫn đến việc nâng cấp công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng là, khi Trung Quốc xây dựng năng lực sản xuất ngày càng tiên tiến, họ cũng phát triển chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Ngày nay, ngành sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc vào mạng lưới mạnh mẽ các nhà cung cấp, nhà đổi mới, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần.
Chính phủ Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và nuôi dưỡng hệ sinh thái này. Tuy nhiên, trái với ấn tượng phổ biến ở phương Tây, đây không phải là một quá trình từ trên xuống hoàn toàn. Trung Quốc bao gồm hơn 30 tỉnh, nhiều thành phố cấp tỉnh và hàng nghìn cấp huyện, thị trấn và ở mọi cấp, chính quyền đều cạnh tranh với nhau để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển công nghiệp. Mặc dù chính quyền trung ương đặt ra các ưu tiên, nhưng trên thực tế, bất kỳ chính sách nào được đưa ra để hỗ trợ các ngành công nghiệp cụ thể đều hoạt động như một chính sách cạnh tranh theo chiều ngang. Chiến lược kinh tế này - được tạo nên bởi quy mô khổng lồ của Trung Quốc - đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển nhanh chóng và khả năng cạnh tranh liên tục của ngành sản xuất Trung Quốc.