45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2024): Vẹn nguyên lời thề vệ quốc
Tỉnh Lào Cai đã có 3 tuyến đường mang tên 3 liệt sĩ tiêu biểu hy sinh anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới tháng 2/1979, đó là các liệt sĩ: Võ Đại Huệ, Bùi Nguyên Khiết và Quách Văn Rạng. Đặc biệt, liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979), quê ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là phóng viên mặt trận của Báo Hoàng Liên Sơn trực thuộc Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn (nay là Báo Lào Cai và Báo Yên Bái, thuộc hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái).
Đã tròn 45 năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra nhưng những ký ức về cuộc chiến đấu kiên cường ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bởi sự khốc liệt, đầy khó khăn, gian khổ, nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng hết sức vẻ vang.
Cuộc chiến đấu có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn, các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý định "đánh nhanh, chiếm nhanh” của quân Trung Quốc, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến…
Do bị thiệt hại nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước. Để tỏ thiện chí hòa bình, mong muốn khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc dừng chiến dịch phản công để tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam…
Ngay từ những ngày đầu tiên tham chiến, dù bất ngờ bị tấn công nhưng quân và dân ta không hề bị động, đồng loạt nhiều đơn vị của ta đã nhanh chóng triển khai lực lượng tại chỗ kiên cường chống địch. Tỉnh Hoàng Liên Sơn được sáp nhập từ ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ và là một tỉnh miền núi rộng lớn, địa hình hiểm trở, phương tiện lại thiếu thốn, địch dùng đến gần ba quân đoàn với gần 15 vạn quân ồ ạt đánh vào tất cả các huyện, thị biên giới dài trên 200 km với mức độ và quy mô ác liệt chưa từng có.
Cùng với các mặt trận: Hà Tuyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu…, quân và dân ở mặt trận Hoàng Liên Sơn đã kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, kiên cường chống giặc; tiêu biểu như: chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch trong ngày 17/2/1979... Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc.
Theo công bố chính thức, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận Hoàng Liên Sơn từ ngày 17/2 - 18/3/1979 đã loại khỏi vòng chiến 11.500 quân Trung Quốc, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp, 189 xe quân sự; 12 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong chiến đấu, lực lượng của ta ở hướng Hoàng Liên Sơn đã được tăng cường một số đơn vị; trong đó, có tiểu đoàn pháo tầm xa của Lữ đoàn Pháo binh 368...
Tính chung, tổng cộng 2 sư đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo tầm xa và 25 tiểu đoàn dự nhiệm cùng nhiều đơn vị binh chủng, dân quân tự vệ các địa phương của Quân khu 1, 2, 3, 4 và Thủ đô Hà Nội đã được điều động lên biên giới tham gia chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cùng với tinh thần quả cảm, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh của quân và dân ta nổi lên những tấm gương anh dũng bất khuất của các anh hùng liệt sĩ.
Để vinh danh họ, tỉnh Lào Cai đã có 3 tuyến đường mang tên 3 liệt sĩ tiêu biểu hy sinh anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới tháng 2/1979, đó là các liệt sĩ: Võ Đại Huệ, Bùi Nguyên Khiết và Quách Văn Rạng. Đặc biệt, liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979), quê ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là phóng viên mặt trận của Báo Hoàng Liên Sơn trực thuộc Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn (nay là Báo Lào Cai và Báo Yên Bái, thuộc hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái).
Trước ngày chiến sự nổ ra, phóng viên Bùi Nguyên Khiết theo chân các đơn vị chủ lực lên biên giới để tận mắt ghi lấy cảnh chiến đấu của quân và dân ta chống quân xâm lược. Trên một mỏm đá ở bản Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, qua lớp sương mù dày đặc, anh thấy thấp thoáng bóng quân xâm lược đang kìn kìn kéo sang và anh cắm cúi ghi chép, chụp hình.
Nhưng, một ánh chớp lóe lên trước ống kính máy ảnh, không phải là tia hồ quang điện mà là lửa đạn từ phía bên kia khi anh ôm ghì chiếc máy ảnh vào ngực để lên kiểu phim cuối cùng. Bùi Nguyên Khiết gục xuống dưới gốc đào. Máu anh hòa vào màu thắm rực của những cánh hoa xuân rải trên đất mẹ... 35 năm sau, tên Bùi Nguyên Khiết thành tên một khu phố mới nằm trên trục đường DN2 thuộc địa bàn phường Bình Minh trong khu đô thị mới Lào Cai.
Lào Cai là địa phương đầu tiên thực hiện việc đặt tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cho các đường phố để tên các anh thành tên đất nước. Ngoài những tấm gương liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, trong chiến tranh bảo vệ biên giới đã ngời sáng tinh thần đoàn kết quân dân sẵn lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho bộ đội chiến đấu. Nhiều nhà đón bộ đội về ở khi chưa làm kịp lán trại; nhường ruộng nương cho bộ đội làm trận địa. Các hội mẹ chiến sĩ, các đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bộ đội sau mỗi trận chiến đấu, giúp cho các đơn vị củng cố vững chắc thế trận chống trả quân xâm lược…
Tổng kết lại trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.
Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bởi Việt Nam lúc này vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa lâu (1975), vừa kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước, kinh tế lại đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận...
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu đó, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống...
Tuy vậy, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam góp phần khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam, nhất là trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng khả năng hành động của đối phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị các mặt sẵn sàng đối phó; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Qua thực tiễn điều hành, chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định về quyền tự vệ chính đáng của mình, kiên quyết đánh trả mọi cuộc tiến công xâm phạm chủ quyền nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khẳng định sự sáng suốt của quân và dân ta trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích) kết hợp với sức mạnh hậu phương cả nước tạo thành những "trường thành thép” sẵn sàng đánh trả có hiệu quả mọi cuộc tiến công từ bên ngoài ngay thời gian đầu.
Đồng thời, biết vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” với nghệ thuật quân sự hiện đại (phương thức tác chiến chính quy), biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông thuở trước kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh…