45 năm Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm của Liên Hợp Quốc

Trong 45 năm qua, dù tình hình trong nước và quốc tế có những biến đổi lớn, Việt Nam vẫn luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres năm 2018. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres năm 2018. Ảnh: TTXVN.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc - tổ chức đa phương có tầm quan trọng hàng đầu thế giới, ngôi nhà chung của tất cả quốc gia trên địa cầu.

Sau 45 năm, vị thế, uy tín, tiềm lực của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Cục diện thế giới cũng đã trải qua những thay đổi to lớn. Dù vậy, có một điều vẫn không thay đổi: Mong muốn của Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm, đóng góp vào việc thực hiện các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc.

“Hợp tác với Liên Hợp Quốc luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta cùng nhân dân thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn viết nhân kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Tích cực đóng góp

Trong 45 năm qua, Liên Hợp Quốc cũng đã đồng hành với Việt Nam trong nhiều giai đoạn phát triển của đất nước. Khi Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh, hỗ trợ của tổ chức này hướng đến công cuộc tái thiết và hỗ trợ nhân đạo.

Khi tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam có những biến chuyển, Liên Hợp Quốc đã mở rộng các lĩnh vực hỗ trợ sang tăng cường thể chế, chính sách, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp, website của tổ chức này cho biết.

Ngược lại, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực đóng góp vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế nói chung và các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc nói riêng.

Năm 2008, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tới năm 2020, Việt Nam quay trở lại định chế này lần thứ hai với số phiếu bầu “kỷ lục” từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: 192/193 phiếu.

 Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 1/2020. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 1/2020. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Kết quả này cho thấy sự ủng hộ và tin tưởng của thế giới với Việt Nam, cũng như vị thế, uy tín ngày càng gia tăng của nước ta trên trường quốc tế.

“Việt Nam sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác và đồng thuận trong Hội đồng Bảo an nhằm cùng tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho các vấn đề an ninh và hòa bình thế giới”, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó, trả lời báo giới ngay sau phiên bầu cử.

Trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đề ra sáng kiến lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Sáng kiến này đã được Liên Hợp Quốc thông qua và được thế giới đón nhận.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Cơ chế này chính thức ra mắt tháng 6/2021, là thành quả sau nhiều tháng vận động của Việt Nam và Đức, cũng như 12 quốc gia đồng sáng lập nhóm.

Hợp tác toàn diện

Ngoài tham gia các hoạt động của Liên Hợp Quốc nói chung, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)…

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã nhận định Việt Nam là một hình mẫu hợp tác hiệu quả với tổ chức này.

Gia nhập UNESCO năm 1976 - chỉ một năm sau khi thống nhất đất nước - Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án hợp tác với UNESCO trên tất cả lĩnh vực mà tổ chức này hoạt động.

 Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam.

Việt Nam cũng đang là một trong sáu quốc gia đại diện cho nhóm 4 (châu Á - Thái Bình Dương) tham gia vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, cùng với Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Quần đảo Cook và Trung Quốc.

Trong khi đó, với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam cũng hai lần tham gia hội đồng chấp hành của tổ chức (trong các nhiệm kỳ 2003-2006 và 2016-2019), cũng như luôn sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực quản trị y tế toàn cầu.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã được WHO hỗ trợ to lớn về vaccine và thiết bị y tế, góp phần tiến tới kiểm soát, thích ứng và đẩy lùi đại dịch.

Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã cử hàng trăm sĩ quan quân đội và công an tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại châu Phi, cũng như tới làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới, một trong những trụ cột chính của Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực.

Việt Nam đã hai lần được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025). Khi là thành viên nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng.

“Với phương châm ‘chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm’, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình đóng góp vào củng cố vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cùng phấn đấu vì hòa bình bền vững, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/45-nam-viet-nam-la-thanh-vien-tich-cuc-trach-nhiem-cua-lien-hop-quoc-post1367423.html