45 sản phẩm được giao dịch liên thông với thế giới
Hiện nay, MXV đang niêm yết giao dịch 45 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới, chia làm 4 nhóm gồm nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.
Theo tổng kết năm 2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá trị giao dịch tại MXV đạt trung bình hơn 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi sụt giảm nhẹ trong quý I/2023, khối lượng giao dịch tại MXV đã có sự hồi phục và ổn định trở lại trong nửa cuối năm.
Tính đến hết năm 2023, toàn thị trường đang có gần 30.000 tài khoản giao dịch active, tăng 20% so với năm ngoái.
Giao dịch liên thông với thế giới đã thông suốt
Ông Đặng Việt Hưng, Tổng giám đốc MXV, cho biết hoạt động giao dịch liên thông với thế giới đã đi vào ổn định, thông suốt, không gặp bất kỳ sự cố nào trong năm 2023. Ông Hưng dự báo năm 2024, thị trường sẽ tiếp tục lan tỏa, phát triển theo xu hướng tất yếu của thế giới.
Hiện nay, MXV đang niêm yết giao dịch 45 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới, chia làm 4 nhóm: nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.
Từ tháng 6/2023, MXV đã niêm yết giao dịch các hợp đồng quyền chọn hàng hóa. Sau hơn 6 tháng triển khai, hợp đồng quyền chọn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng trưởng đều mỗi tháng.
"Các sản phẩm quyền chọn được giao dịch tại MXV đều có tính thanh khoản cao, giúp các doanh nghiệp có thêm công cụ bảo hiểm giá rất hiệu quả, đồng thời giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư", ông Đặng Việt Hưng cho biết thêm.
Nhiều mục tiêu lớn trong năm 2024
Nói về kế hoạch năm 2024, lãnh đạo MXV cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ Công thương và các cơ quan chức năng để xây dựng Nghị định mới, thay thế Nghị định 158 năm 2026 và Nghị định 51 năm 2018, nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý, giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
"Đây sẽ là tiền đề giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới", tổng giám đốc MXV chia sẻ.
Bên cạnh đó, MXV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, trọng tâm là các Sở Giao dịch hàng hóa và các đối tác công nghệ lớn trên thế giới. Theo kế hoạch, trong quý I/2024, MXV sẽ hoàn thành việc liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc, tiến tới mục tiêu niêm yết chéo các sản phẩm giao dịch. Bên cạnh đó, việc liên thông với thị trường tỷ dân sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có đối các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, để tối ưu hóa hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm giá và đầu tư.
MXV sẽ tích cực phối hợp với các đối tác để từng bước đưa các Sàn Giao dịch hàng hóa chuyên biệt vào vận hành. Dự kiến trong năm 2024, các Sàn Giao dịch cao su và Sàn Giao dịch thịt heo TP.HCM sẽ đi vào hoạt động. Các Sàn Giao dịch cà phê và tín chỉ carbon dự kiến sẽ vận hành vào năm 2025.
Với lịch sử hơn 13 năm hình thành và phát triển, ông Đặng Việt Hưng khẳng định MXV đã và đang là đầu tàu của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư truyền thống có dấu hiệu chững lại, giao dịch hàng hóa đang là điểm sáng trong hoạt động thương mại nói riêng và trong nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia duy nhất tại Việt Nam, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Công thương.
Hiện nay, MXV đã liên thông hầu hết các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn trên thế giới như: Sở Giao dịch Kim loại London - London Metal Exchange (LME); Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago - CME Group (bao gồm các Sàn giao dịch CBOT, CME, COMEX, NYMEX); Sở Giao dịch liên lục địa - ICE (bao gồm các sàn giao dịch ICE US, ICE EU, ICE Singapore); Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange - OSE; Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore - SGX; Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia Derivatives.