48h trước thi tốt nghiệp THPT 2023: Lưu ý không thể bỏ qua ở môn Ngữ văn
Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm giúp thí sinh có bài thi môn Ngữ văn điểm cao.
Theo cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), điều đầu tiên, học sinh cần chú ý bám sát ma trận đề và làm kỹ đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2023 Bộ GD-ĐT đã công bố với các câu hỏi mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Học sinh cũng cần đọc hiểu thật kĩ các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 12, thuộc phạm vi ôn tập và thi.
Để đạt điểm cao bài nghị luận văn học (5 điểm), học sinh cần đọc kĩ các tác phẩm văn học. “Dù có thể đề thi chỉ trích dẫn ngữ liệu nhưng việc đọc hiểu cả tác phẩm sẽ đem đến cho các em cái nhìn khái quát về tác phẩm và sâu sắc về các chi tiết nghệ thuật đề yêu cầu, từ đó dễ dàng phân tích”, cô Hạnh nói.
Cô Hạnh cũng khuyên thí sinh nên lập dàn ý để bài thi đảm bảo đi đúng hướng, dung lượng của từng câu, từng ý đáp ứng được yêu cầu của đề.
“Các em có thể linh hoạt đưa quan điểm cá nhân vào bài văn. Mỗi yêu cầu của đề thi dù có kiến thức chung nhưng bài viết sẽ dễ được cho điểm khi tạo ấn tượng sâu sắc bằng cách khéo léo đưa quan điểm cá nhân vào từng đánh giá, bình luận. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân cần tôn trọng pháp luật và phù hợp với đạo đức, truyền thống”, cô Hạnh nói.
Cô Hạnh cũng nhấn mạnh những lỗi thí sinh hay mắc phải và cần tránh khi làm bài thi môn Văn:
Thứ nhất, phân bố lượng thời gian không đều cho mỗi câu. Tình trạng hay xảy ra là thí sinh làm câu đọc hiểu quá dài, không còn thời gian làm phần làm văn.
Thứ hai, lỗi viết liền, viết không đúng thứ tự các câu trả lời đọc hiểu, đặc biệt việc học sinh làm câu đọc hiểu còn lại ở sau phần nghị luận văn học mà lại riêng lẻ ở trang sau. Như vậy, giám khảo có thể không nhìn thấy hoặc bỏ sót câu, không chấm dẫn đến mất điểm "oan".
Thứ ba, khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, một số học sinh không biết viết mở đoạn và không khai thác sâu vào nội dung chính của luận đề hoặc thiếu dẫn chứng. Có học sinh lại viết dẫn chứng quá dài,... tất cả đều khiến điểm đoạn văn sẽ không cao.
Thứ tư, các thí sinh lưu ý, với bài nghị luận văn học dễ mắc các lỗi lạc đề, xa đề; hoặc không chú ý giới thiệu những nét chính về tác giả, tác phẩm; nghệ thuật của đoạn trích, hay không trả lời câu hỏi phụ theo yêu cầu của đề ra.
Theo cô Nguyễn Thị Nha Trang, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc), ở phần Đọc hiểu, các học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu trong đề, xác định chính xác, trả lời trọng tâm, ngắn gọn, đủ ý tránh phân tích, diễn giải lan man, dàn trải hoặc quá dài dòng.
Phần vận dụng thường có câu lệnh như: “Anh chị nêu suy nghĩ, cảm xúc…” về sự việc, hiện tượng, vấn đề hoặc rút ra thông điệp từ văn bản đọc hiểu cần bám sát nội dung, thể hiện rõ suy nghĩ, quan điểm cá nhân.
Với dạng câu lệnh: “Anh/chị có đồng tình…?”, các em có thể đưa quan điểm là đồng tình hoặc không nhưng cần lí giải rõ vì sao lại lựa chọn quan điểm một cách mạch lạc, thuyết phục. Phần này thời gian tối đa khoảng 15- 20 phút.
Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội 2 điểm và nghị luận văn học 5 điểm. Nghị luận xã hội luôn đưa ra vấn đề nghị luận có liên quan hoặc được gợi ra từ nội dung ngữ liệu ở phần đọc hiểu. Bài viết của các em cần đảm bảo xác định đúng vấn đề cần nghị luận, các yêu cầu về nội dung và hình thức đoạn văn.
Về hình thức, các em lưu ý dung lượng đoạn văn không quá dài hơn 200 chữ, viết đúng cấu trúc đoạn, các dấu hiệu mở đoạn, kết thúc đoạn rõ ràng. Về mặt nội dung, thí sinh chú ý bám sát từ khóa, câu lệnh trong đề bài để viết đoạn có trọng tâm, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục, phản đề đầy đủ, thể hiện được chính kiến, hiểu biết xã hội, rút ra bài học hoặc thông điệp nếu có. Phần này thời gian tối đa trong khoảng 15- 20 phút.
Với câu nghị luận văn học có điểm số cao nhất, nên dành thời gian 75-78 phút, các em dành 3 phút đầu để lược dàn ý, dành 2 phút cuối để kiểm tra trước khi nộp bài.
Với yêu cầu phụ mang tính phân hóa mà câu lệnh thường đưa ra như: Từ đó liên hệ, nhận xét về thông điệp, cách tiếp cận sự vật, chất thơ, chất liệu văn hóa dân gian, nét riêng, phong cách nghệ thuật, cái tôi cá nhân, mối quan hệ, cách nhìn người lao động… các em lưu ý không bỏ qua, cần có sự nhận xét đánh giá thuyết phục.
Phần này, các thầy cô thường lưu ý kỹ với đặc thù từng đoạn trích. Bài viết thường bao gồm nhiều đoạn văn, luận điểm nên các em chú ý cách trình bày, dẫn dắt, chuyển ý, chuyển đoạn sao cho uyển chuyển, linh hoạt. Trong bài viết nên phối hợp nhịp nhàng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, bình luận, so sánh. Để nâng tầm bài viết, để phần so sánh, liên hệ, mở rộng được phong phú hơn, các em nên đọc thêm tri thức về tác giả, thời đại, giai đoạn văn học…
Theo cô Lương Thanh Mai, giáo viên môn Ngữ văn của Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), việc nắm rõ về phương pháp, kỹ năng làm bài môn Văn sẽ giúp cho các sĩ tử lớp 12 có được cơ hội đạt điểm cao.
Về nội dung, thí sinh cần bám sát câu hỏi trong đề để trả lời, tránh lan man xa đề, lạc đề. Lưu ý khi làm bài thi, ở phần Đọc hiểu, gồm nhiều câu hỏi nhỏ, vì vậy các em cần trả lời đủ các nội dung.
Các em cũng cần chú ý xác định đúng thể thơ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, các từ ngữ, hình ảnh. Lưu ý tách thành từng ý khi trả lời.
Với câu hỏi về thông điệp, bài học… cần viết ngắn gọn, rõ ràng. Ở phần Làm văn, cô Mai lưu ý: “Với bài nghị luận xã hội, hình thức đoạn văn khoảng 200 chữ, lưu ý viết không quá 1 trang giấy thi với cỡ chữ trung bình.
Nội dung thường trình bày về vấn đề thuộc vai trò/trách nhiệm/ý nghĩa… của một vấn đề xã hội đặt ra từ phần Đọc hiểu. Vì vậy các em cần bám sát yêu cầu, tránh lan man. Thí sinh cũng cần tìm luận điểm (tìm ý) nhanh, đủ, đúng và sắp xếp ý phù hợp (nên đi theo trình tự từ ý nghĩa với cá nhân tới cộng đồng...). Câu kết đoạn nên là bài học cho bản thân.
Với bài nghị luận văn học, các em cần viết bài theo bố cục 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài. Mở bài giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích đề đưa ra, nêu ý kiến đánh giá sơ bộ.
Thân bài các em cần nêu các luận điểm làm sáng tỏ yêu cầu của đề. Thí sinh cũng nên sử dụng các đoạn văn theo cấu trúc tổng – phân hợp hoặc diễn dịch. Câu mở đoạn nêu luận điểm.
Phân tích làm rõ về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích/tác phẩm, có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu, xác thực. Đoạn cuối phần thân bài thường sẽ nhận xét, đánh giá về nội dung, nghệ thuật hoặc phong cách tác giả.
Thí sinh nên sử dụng các kiểu câu ghép khi chuyển đoạn ở phần thân bài, ví dụ: “Nếu… thì…”; “Không những… mà còn...”.
Kết bài khẳng định, đánh giá chung về đoạn trích/tác phẩm và mở rộng ý nghĩa của vấn đề. Mở đầu đoạn kết bài nên sử dụng từ báo hiệu sự kết thúc, ví dụ: “Tóm lại…”; “Như vậy…”.
Để làm tốt phần này, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản. Các em ghi nhớ các thông tin trong phần tiểu dẫn ở SGK và phần ghi nhớ cuối mỗi bài học để áp dụng khi viết bài nghị luận văn học”, cô Mai chia sẻ.
Về hình thức, theo cô Mai, thí sinh cần trình bày sạch đẹp, cẩn thận nhất có thể, tránh tình trạng tẩy xóa. Nếu như đã viết sai và buộc phải sửa nên dùng đến thước kẻ gạch chéo một đường. Các em không dùng bút xóa (bởi rất dễ bị xem là dấu hiệu đánh dấu bài thi), không gạch bằng tay, khi đó bài thi sẽ rất rối mắt và mất điểm trình bày.
Thí sinh làm đầy đủ các câu hỏi nhỏ trong từng phần thi. Để tránh sót ý làm xong phần nào, các em tích vào đề phần đó. Viết đúng chính tả, các em cũng tránh viết các câu văn không có thành phần chủ ngữ, vị ngữ.
Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi thpt 2023 nhanh trên VietNamNet