49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định không được đặc cách vì lắt léo câu chữ?
GDVN- Phải chăng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đã bỏ qua quyền lợi xét đặc cách chính đáng của 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông theo công văn 5378?
Vì sao 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định không được đặc cách?
Gần 6 tháng qua, cô H.T.M.C, giáo viên tỉnh Bình Định luôn trong tâm trạng thấp thỏm không yên.
Tháng 2/2020, cô M.C là 1 trong tổng số 49 giáo viên hợp đồng bậc trung học phổ thông tỉnh Bình Định đủ điều kiện xét đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ.
Trong thông báo số 275/TB-SGDĐT: Sở Giáo dục và Đào tạo công bố đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh và đơn vị công tác của những thí sinh đủ điều kiện (49 giáo viên) và không đủ điều kiện (1 giáo viên) đề nghị tuyển dụng đặc cách viên chức.
Sở Giáo dục xét tuyển “nhầm”, 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định kêu cứu
Những tưởng đến đây 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tỉnh Bình Định đã có thể mỉm cười với một kết thúc có hậu thì đến nay (tháng 8/2020), đã gần nửa năm, số giáo viên này vẫn chưa nhận được quyết định chính thức công nhận kết quả xét đặc cách.
Theo công văn số 2659/UBND-NC của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định về việc thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với các trường hợp giáo viên đang hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước theo ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 1791/BNV-CCVC ngày 9/4/2020 về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.
Xung quanh việc này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Sỹ, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định).
Sự việc này đã được ông Võ Ngọc Sỹ giải thích chi tiết trong bài viết: “Sở Giáo dục xét tuyển “nhầm”, 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định kêu cứu” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/7/2020.
Tóm lược, vị đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết: Lý do 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông không đủ điều kiện đặc cách là vì những giáo viên này đang hợp đồng thỉnh giảng tại các trường theo diện hợp đồng khoán, thời vụ; Sở Giáo dục và Đào tạo xét đặc cách “nhầm” đối tượng là do công văn số 5378/BNV-CCVC giải thích không rõ ràng.
49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định tin rằng họ đủ điều kiện đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC
Để tìm hướng tháo gỡ cho câu chuyện 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tỉnh Bình Định kêu cứu, trước tiên cần phải làm sáng tỏ vấn đề: Liệu rằng 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định có đủ điều kiện đặc cách theo công văn số 5378/BNV-CCVC hay không?
Trong công văn số 5378/BNV-CCVC, Bộ Nội vụ quy định rất rõ về đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách:
Giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Dựa theo yêu cầu nói trên trong công văn 5378/BNV-CCVC, giáo viên hợp đồng được đặc cách phải đáp ứng 3 tiêu chí:
Một là, giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập;
Hai là, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015;
Ba là, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng;
Đối với tiêu chí số 2 và số 3, 49 giáo viên hợp đồng nêu trên đều đủ điều kiện. Điều này được chính ông Võ Ngọc Sỹ thừa nhận:
Giáo viên hợp đồng, một nghề vô thừa nhận?
“Các tiêu chí chẳng hạn giáo viên có thời gian ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội…49 giáo viên trên đều đủ điều kiện.
Nhưng vướng mắc nằm ở tiêu chí giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập.
Trong công văn 5378 Bộ Nội vụ không nói rõ hợp đồng này là thỉnh giảng khoán việc, thời vụ hay là tịnh biên và có đóng bảo hiểm. Vì thế vướng mắc nằm ở chính chỗ này”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định nêu trên đều đang hợp đồng thỉnh giảng tại các trường công lập.
Bắt đầu từ năm học 2017-2018, do chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, nhiều giáo viên đang làm hợp đồng lao động (không xác định thời hạn) bị đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do: Không trúng tuyển viên chức kỳ thi xét tuyển viên chức diện đặc cách Sở Giáo dục và Đào tạo và đã có giáo viên trúng tuyển đến thay thế vị trí làm việc.
Các giáo viên này phải chuyển sang hợp đồng lao động thỉnh giảng.
Tuy nhiên, Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định như sau:
Điều 7: Hợp đồng thỉnh giảng
1. Đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức
a) Hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc. Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự. Không thực hiện hợp đồng lao động đối với hoạt động thỉnh giảng của cán bộ, công chức, viên chức.
2. Đối với nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức
a) Đối với các hoạt động nêu tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 Quy định này, hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động. Việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng, việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động.
Căn cứ theo Thông tư này, 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định thuộc nhóm số 2: Nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức; Hợp đồng thỉnh giảng với nhóm đối tượng này là hợp đồng lao động quy định tại Bộ luật Lao động chứ không phải hợp đồng vụ, việc theo các quy định tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự.
Lấy ví dụ một trường hợp cụ thể: Ngày 14/8/2019, cô Lưu Thị Đào ký hợp đồng lao động (về việc dạy thỉnh giảng môn Ngữ Văn) với bà Nguyễn Thị Minh Phương, hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cao Vân (tỉnh Bình Định), một trong các căn cứ giao kết hợp đồng là Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục.
Chức danh: Giáo viên
Công việc phải làm: Giảng dạy môn Ngữ Văn theo nhu cầu của nhà trường
Thời gian làm việc: Từ ngày 15/8/2019 đến khi nhà trường sắp xếp ổn tiết dạy cho bộ môn.
Theo điểm a), khoản 2, điều 7, quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT, hợp đồng thỉnh giảng của cô Lưu Thị Đào là hợp đồng lao động theo Bộ Luật lao động (vì cô Lưu Thị Đào chưa là cán bộ, công chức, viên chức của một đơn vị khác); hợp đồng có ngày bắt đầu làm việc (15/8/2019) nhưng không có thời điểm, thời hạn chấm dứt hiệu lực.
Như vậy hợp đồng của cô Lưu Thị Đào là hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo Bộ Luật lao động hiện hành.
Qua những phân tích và ví dụ trên, có thể thấy 49 giáo viên hợp đồng bậc trung học phổ thông tại Bình Định cho rằng hợp đồng thỉnh giảng của mình không phải là hợp đồng khoán, hợp đồng thời vụ…như cách giải thích của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, là có cơ sở.
Điều này đồng nghĩa với việc 49 giáo viên này hoàn toàn thỏa mãn 3 tiêu chí và đủ điều kiện để được xét đặc cách theo công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ.
Vì vậy đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định làm rõ nội dung được phản ánh nêu trên để có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận giáo dục tỉnh nhà và tránh làm mất đi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của 49 giáo viên hợp đồng.