Vinh quang nghề giáo
'Có một nghề bụi phấn bám đầy tay, ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất, có một nghề không trồng cây vào đất, mà cho đời những đóa hoa thơm'. Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, người cô.
Thầy cô giáo hết lòng vì học sinh
Xã Minh Châu, huyện Ba Vì nằm ở bãi giữa sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Mỗi mùa nước lên, cả xã bị cô lập, Minh Châu vì thế được gọi là xã đảo. Việc giao thông với bên ngoài phụ thuộc vào con thuyền, bến phà.
6 giờ sáng mỗi ngày, cô giáo Nguyễn Thị Huyền (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) đều đặn từ nhà đi đến trường THCS Minh Châu, nơi cô dạy học. Quãng đường gần 30 cây số và cô phải đi qua bằng phà mỗi ngày.
Thế nhưng, dù mưa dù nắng, mùa cạn hay mùa lũ, mỗi ngày, những thầy giáo, cô giáo như cô Huyền, từ các địa phương khác, đều đặn đi về nơi xã đảo còn nhiều gian khó nhất của huyện Ba Vì để dạy chữ, rèn người cho lớp lớp học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền dạy môn Ngữ văn. Như bao người yêu văn học, cô tâm niệm văn học là nhân học. Hàng ngày không chỉ dạy cho học sinh cách cảm thụ văn thơ, cô còn dạy cho học trò của mình cách thức tu dưỡng tâm hồn, đối nhân xử thế.
Cô Phùng Thị Thu Hương là giáo viên tiểu học ở ngôi trưỡng xã đảo Minh Châu. Không sống tại xã đảo nên hàng ngày phải di chuyển quãng đường xa, cô vẫn không ngại ngần gắn bó và tận tâm với nghề, cùng đội ngũ đồng nghiệp giúp các em học sinh ở đây có cơ hội tiếp cận với tri thức và phát triển. Với công việc giảng dạy tại trường tiểu học, thời điểm rời nhà tới trường của cô Hương phải sớm hơn và trở về nhà cũng muộn hơn so với giáo viên khác.
Không chỉ dạy con chữ mà cô còn dạy các em yêu quý quê hương, biết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của xã đảo. Dù còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng cô Huyền, cô Hương và nhiều thầy cô giáo vẫn kiên trì bám lớp, bám trường, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò. Mong muốn học sinh ngày càng tiến bộ, có kết quả học tập tốt nên ngoài giờ học chính khóa vào buổi sáng, thì buổi chiều hàng ngày, các cô giáo đều dành thời gian phụ đạo miễn phí cho những học sinh có lực học chưa tốt.
Cô giáo Hương chia sẻ: "Tôi cùng một số giáo viên khác phụ đạo các em. Tôi rất yêu người Minh Châu. Các con rất thảo kính với cô. Tôi quyết định ở đây lập nghiệp và mong sao sẽ gắn bó mãi ở nơi đây để giúp nơi này phát triển hơn".
Khi nói về nỗi gian truân đò giang cách trở, các thầy cô đều có chung câu trả lời: "Đi mãi rồi cũng quen”. Tinh thần hiếu học của học trò, tình cảm của người dân xã đảo khiến ngọn lửa yêu nghề của các thầy cô thêm nồng cháy, giúp họ kiên tâm vững bước trên hành trình dạy chữ dạy người trên mảnh đất Minh Châu.
Một người thầy đáng quý
Mang nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang đã gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn biết bao nhiêu thế hệ học sinh trường Marie Cuire Hà Nội. Khi ấy học trò nghèo, thầy Khang cũng rất nghèo, tình cảm, sự quan tâm thầy trò dành cho nhau đầy dung dị.
Thầy Khang bước vào nghề giáo như muôn vàn nhà giáo khác ở vào thời điểm đó, với tấm bằng cử nhân, không học hàm, học vị, không danh hiệu, có khác chăng là tình yêu thương học trò, niềm đam mê công việc nhiều phần khác biệt, đầy đặn và sâu sắc theo cách của riêng mình. Sự kính trọng và lòng biết ơn từ những học trò mà thầy đã chăm sóc, dẫn dắt chính là phần thưởng vô giá mà thầy được nhận lại.
Trong số biết bao thế hệ học sinh, có một cô học trò đặc biệt vẫn nhớ mãi về thầy Khang. Đó là Tống Liên Anh - một diễn giả, dịch giả và chuyên gia giáo dục nổi tiếng. Cô học trò giờ đã lớn khôn, thành đạt nhưng vẫn mãi khắc ghi những bài học giản dị từ người thầy đã giúp cô định hình triết lý giáo dục của riêng mình.
Câu chuyện của Liên Anh là minh chứng cho những gì mà thầy Khang đã âm thầm gieo vào tâm hồn học trò suốt bao thế hệ hơn 30 năm qua. Với thầy Khang, giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức. Thầy luôn tin rằng nhiệm vụ của người thầy là bồi đắp nhân cách, tạo nên những con người tử tế. Mỗi lớp học, mỗi giờ lên lớp đều là một cơ hội để thầy truyền cảm hứng, để thắp sáng tâm hồn học sinh bằng tình yêu.
Tình thương của thầy Khang không chỉ lan tỏa trong không gian mái trường, lớp học của mình. Thầy đã nhiều lần âm thầm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, trao gửi yêu thương đến những nơi cần giúp đỡ. Như người cha, người ông luôn chở che; như người thầy giúp các học sinh nghèo, các em nhỏ vùng xa, vùng khó khăn, thầy Nguyễn Xuân Khang mong muốn mọi trẻ em đều được đến trường, được tiếp cận tri thức.
Thầy Khang trong mắt nhiều thế hệ giáo viên, học sinh Marie Cuire không chỉ là người thầy mà còn là người ông, người cha, người bạn. Những giá trị mà thầy đã gieo mầm, những nhân ái, yêu thương bền bỉ mãi là nền tảng cho nhiều thế hệ tiếp nối. Như ngọn đuốc được thầy thắp lên với bao ước vọng, sẽ sáng mãi tới cả mai sau.
Giáo dục Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước
Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.
Hiện thành phố có gần 3 nghìn trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông toàn thành phố đạt 99,81%, nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn giữ vững và đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để có được những kết quả đáng tự hào đó là sự đóng góp đầy tâm huyết và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành. Đến nay, 100% cán bộ quản lý giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn của các cấp học đạt từ 91,7% đến 100%. Toàn ngành vinh dự có 7 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và 335 nhà giáo được vinh tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.
Khởi nguồn từ những lớp bình dân học vụ, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô hiện nay đã phát triển cả về "lượng" và "chất", luôn tiên phong đổi mới và khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế. Thành quả đó có được từ sự nhất quán, kiên trì trong thực hiện chủ trương coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong mọi giai đoạn.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/vinh-quang-nghe-giao-281610.htm