5 bài học kinh nghiệm từ đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và CB quản lý GD mầm non
Từ thực tiễn triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2018 - 2025, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại về kết quả thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018 - 2025 (Đề án 33) cũng như những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn.
Nhiều kết quả tích cực
* Ông có thể cho biết, đến thời điểm này, việc triển khai, thực hiện Đề án 33 đã đạt được kết quả như thế nào?
- Thực hiện Đề án 33, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cơ bản đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp phù hợp với quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non.
Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non; hình thành và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán. 100% giáo viên được bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp…
Hiện nhiều địa phương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch thực nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non theo lộ trình;
Ban hành các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên cách tiếp cận mới về chức năng nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán; đào tạo bổ sung, thay thế số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên tăng thêm theo tỷ lệ huy động trẻ và số giáo viên còn thiếu hiện nay.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non đã ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và thực hiện các nhiệm vụ Đề án trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.
* Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 33?
- Điểm nhấn quan trọng trong quá trình triển khai Đề án 33 là các hoạt động được thực hiện theo lộ trình nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non;
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thông qua các hội thảo quốc gia, quốc tế, các khóa tập huấn đội ngũ dựa trên cách tiếp cận mới về chức năng nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán;
Bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp sư phạm cho các giảng viên, cán bộ quản lý các khoa, tổ bộ môn giáo dục mầm non; đẩy mạnh hoạt động nghề nghiệp nghiên cứu khoa học trong trường, khoa sư phạm, tăng cường liên kết trong đào tạo và nghiên cứu về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giáo dục mầm non; Phát triển, phổ biến, chia sẻ tri thức mới và các kinh nghiệm tiên tiến từ kết quả tổng kết, nhân rộng các điển hình trong đào tạo giáo viên mầm non.
5 bài học kinh nghiệm
* Trong quá trình triển khai thực hiện, khó khăn lớn nhất là gì thưa ông, có giải pháp nào để tháo gỡ?
- Trong quá trình triển khai thực hiện, khó khăn lớn nhất là một số đơn vị chưa xác định rõ chỉ tiêu cần đạt của Đề án theo các giai đoạn trong nên còn gặp khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo, triển khai duy trì củng cố những chỉ tiêu đã đạt và vượt, phấn đấu hoàn thành, vượt những chỉ tiêu chưa đạt.
Triển khai thực hiện Đề án Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Đề án. Hàng năm, Bộ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án, trong đó hướng dẫn các đơn vị tham mưu với cấp có thẩm quyền/ ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 33 theo quy định;
Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch về công tác quản lý, chỉ đạo kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Đề án 33, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án 33 ở một số địa phương, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo viên mầm non để kịp thời nắm bắt, hướng dẫn các đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
* Từ thực tiễn triển khai Đề án 33, Bộ GD&ĐT đã rút ra những bài học kinh nghiệm nào? Định hướng từ nay đến năm 2025 là gì, thưa ông?
Từ thực tiễn triển khai thực hiện Đề án 33, bài học kinh nghiệm được rút ra là:
Thứ nhất, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra phải có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, đổi mới và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.
Thứ ba, tăng cường xã hội hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.
Thứ tư, làm tốt công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong ngành và xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo tiến trình thực hiện Đề án được duy trì thường xuyên; từ đó kịp thời giải quyết và có biện pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.
"Từ nay đến năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung ưu tiên củng cố, duy trì, bổ sung nguồn lực củng cố, tăng cường chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ theo Quyết định số 33/QĐ-TTg để tổng kết Đề án năm 2025" - Ông Phạm Tuấn Anh.