5 bị cáo trong vụ án tại Đồng Tâm xin giảm nhẹ hình phạt
Có 6 người kháng cáo trong số 29 bị cáo có hành vi giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm. Đa phần xin giảm nhẹ hình phạt, chỉ 1 người xin xem xét lại toàn bộ án sơ thẩm.
Ngày mai (8/3), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm với 6 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 8 - 10/3) dưới sự điều hành của chủ tọa là thẩm phán Ngô Tự Học. Sẽ có 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và 2 luật sư khác tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phía bị hại là gia đình 3 cảnh sát hi sinh ở Đồng Tâm.
Trong số 6 người kháng cáo án sơ thẩm, nhóm Lê Đình Công (SN 1964), Lê Đình Chức (SN 1980), Lê Đình Doanh (SN 1988), Bùi Viết Hiểu (SN 1943), Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980) cùng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên cho mình là nặng, xin tòa cấp phúc thẩm căn cứ các tình tiết để giảm nhẹ thêm hình phạt.
Trước đó, Lê Đình Công, Lê Đình Chức đã bị tòa sơ thẩm tuyên tử hình; Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù đều về tội “Giết người”.
Riêng bị cáo Bùi Thị Nối (SN 1958) kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Bị cáo Nối đã nhận án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ:.
Trước đó, ngày 14/9/2020, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm thể hiện đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất quốc phòng nhưng ông Lê Đình Kình (SN 1936) cùng các bị cáo trong vụ thành lập Tổ đồng thuận nhằm lấn chiếm, sử dụng và vu khống chính quyền.
Nhóm này nhiều lần chống đối cơ quan chức năng và thậm chí còn bắt giữ trái phép giữ công an, cán bộ... Sáng 9/1, khi cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị Tổ đồng thuận ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công bất chấp việc lực lượng chức năng kêu gọi chống đối.
Lúc này, các cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân khi tiến trên trần nhà đã bị ngã xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Lê Đình Chức (con ông Kình) và cháu là Lê Đình Doanh đã dùng dao nhọn chọc xuống rồi nhiều lần đổ xăng vào hố, thiêu khiến 3 cảnh sát hy sinh.
Cấp sơ thẩm cho rằng, hành vi của các bị cáo vô cùng tàn ác như dùng tuýp sắt chọc, ném bom xăng, gạch đá… hậu quả gây ra cái chết vô cùng thương tâm của các chiến sĩ.
Trong vụ, Lê Đình Công được xác định là chủ mưu cầm đầu, thường xuyên hô hào việc giết công an và còn phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Công trực tiếp ném bom xăng, lựu đạn về phía công an nên có vị trí, vai trò cao nhất. Bị cáo đã thành khẩn khai báo nhưng cần loại bỏ vĩnh viễn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bị cáo Lê Đình Chức cũng ném bom xăng, chọc dao làm công an ngã xuống hố; trực tiếp đổ xăng xuống hố làm 3 cảnh sát bị thiêu tử vong… Việc này thể hiện quyết tâm phạm tội của bị cáo nên cũng cần áp dụng hình phạt nghiêm nhất để đảm bảo tính nghiêm minh.
Cũng theo tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Đình Doanh có hành vi rất quyết liệt, trực tiếp gây ra cái chết của 3 cảnh sát. Tòa án cho rằng lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn Doanh khỏi xã hội nhưng trong vụ, bố và chú của Doanh đã bị tước bỏ quyền sống nên không cần thiết phải tử hình bị cáo này để thể hiện tính nhân đạo.