5 bộ phận chứa độc tố của lợn bị lầm tưởng là bổ dưỡng, ăn càng ít càng tốt
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, có 5 bộ phận của lợn dễ gây hại sức khỏe nên ăn càng ít càng tốt, 1 trong 5 bộ phận này còn bị lầm là bổ dưỡng.
Thịt lợn là món ăn hàng ngày của nhiều gia đình Việt bởi giá thành hợp lý và chế biến được nhiều món ngon. Tuy nhiên, có một số bộ phận bác sĩ khuyên nên hạn chế ăn để hạn chế nguy cơ bệnh tật.
Gan lợn
Gan lợn là bộ phận chứa nhiều cholesterol và các kim loại nặng. Nhu cầu mỗi người chỉ được phép dung nạp khoảng 300mg cholesterol/ngày. Trong khi đó, cholesterol trong gan lợn rất lớn. Riêng ăn 100g gan, lượng cholesterol bạn dung nạp đã lên tới hơn 400mg.
Tất cả các thức ăn khi lợn ăn vào đều phải đi qua gan để giải độc, quá trình thải độc đó nếu không thực hiện tốt vô tình giữ lại rất nhiều tồn dư chất độc hại, bao gồm chất tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi và rất nhiều hợp chất hay kim loại nặng.
Nếu ăn quá nhiều trong một lần, lượng cholesterol nạp vào cơ thể nhiều quá sẽ gây ra các bệnh như xơ vữa động mạch và làm bệnh tim nặng hơn, do đó những người mắc bệnh huyết áp cao hoặc tim mạch vành nên hạn chế ăn gan lợn.
Thịt cổ lợn
Theo các chuyên gia y tế, cổ lợn có nhiều hạch chứa nhiều vi khuẩn, vi rút và độc tố. Khi giết, mổ lợn, tiết ở cổ chảy ra nhiều và chứa nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn.
Vậy nên mọi người nên thận trọng vì nó gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Ngoài ra, cổ lợn cũng có hàm lượng chất béo lớn, ăn nhiều gây tăng cân, kéo theo các vấn đề tim mạch.
Lòng già
Lòng già của lợn chứa nhiều chất béo, ăn quá mức sẽ dẫn đến nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.
Ngoài ra, lòng già còn có chức năng bài tiết chất độc, chất thải nên bị coi là bộ phận bẩn nhất. Muốn ăn phải rửa thật sạch, nấu chín. Nếu sơ chế không kỹ lưỡng, thường sẽ có một lượng lớn vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể khi bạn ăn.
Phổi lợn
Phổi có chức năng giúp lợn thở. Môi trường sống của lợn nhiều bụi bẩn, phân chuồng chứa vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong một thời gian dài. Lợn hay có thói quen hít ngửi sát đất, dễ dàng tiếp xúc với các yếu tố trên. Trong không gian như vậy, phổi lợn có xu hướng chứa một lượng lớn vi khuẩn và virus.
Khi ăn phần này, rất dễ nạp vào cơ thể nhiều bụi bẩn, kim loại nặng. Tất nhiên, nếu chế biến sạch và sức đề kháng tốt, người khỏe mạnh bình thường vẫn có thể ăn phổi lợn nhưng không nên ăn nhiều. Đặc biệt, người già, người mắc bệnh mãn tính không nên ăn phổi lợn.
Óc lợn
Óc giàu Niacin, Phosphorus, B12, và Vitamin C. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 100g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người trong một ngày.
Khi đó, thực phẩm này không giúp phát triển trí thông minh như nhiều người lầm tưởng mà còn gây béo phì cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ, người rối loạn mỡ máu, tim mạch,…
Còn chất đạm trong óc lợn chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần khác như thịt nạc.