5 cách tự nhiên tốt nhất để chống lại mệt mỏi khi mang thai
Mệt mỏi khi mang thai trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ là một điều khó chịu phổ biến. Dưới đây là một số giải pháp an toàn giúp tăng cường năng lượng và chống kiệt sức khi mẹ bầu mệt mỏi.
Khi mang thai, rất nhiều mẹ bầu cảm thấy như mình đang trong tình trạng say máy bay, người lâng lâng đặc biệt là trong ba tháng đầu. Mặc dù cảm thấy khó chịu, nhưng mệt mỏi lại là một dấu hiệu tốt, vì điều đó cho thấy các hormone thai kỳ của mẹ bầu đang lưu thông và cơ thể đang làm việc để giúp em bé phát triển.
Có nhiều lý do khiến mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, như mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều, ốm nghén khiến cơ thể mệt mỏi và chán ăn, tim hoạt động nhiều hơn để thích ứng với sự gia tăng lượng máu, thiếu chất dinh dưỡng…
Tuy nhiên, mẹ bầu có thể tăng mức năng lượng của mình bằng một vài bước đơn giản. Dưới đây là một số cách tự nhiên để chống lại tình trạng kiệt sức, mệt mỏi và giúp mẹ bầu có thêm năng lượng:
1. Thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh
BS Nguyễn Tuấn Anh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyên, mẹ bầu cần tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ và bổ dưỡng để chống lại sự mệt mỏi khi mang thai. Ăn nhiều loại trái cây và rau hữu cơ. Cố gắng ăn ít nhất một loại ngũ cốc nguyên hạt và một loại trái cây hoặc rau củ trong mỗi bữa ăn nhẹ và tránh thực phẩm chế biến càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, mẹ bầu nên tránh xa các loại carbohydrate tiêu hóa nhanh như bánh mì, vì chúng khiến mẹ bầu cảm thấy buồn ngủ hơn. Ăn một chế độ ăn ít chất béo có nhiều chất sắt như thịt đỏ, gan, nghêu, sò, rau cải bó xôi... và protein như sữa, sữa chua, đậu và bơ hạt (đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều). Và hãy đảm bảo giữ đủ nước, nên uống từ 2,5 – 3l nước mỗi ngày và uống vitamin trước khi sinh trong suốt thai kỳ và trong ít nhất 6 tháng sau khi sinh.
2. Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục hàng ngày ngay cả khi mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi. BS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nên tập thể dục phù hợp khoảng 30 phút mỗi ngày, các bài tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng, đi bộ thong thả luôn khiến mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Tập thể dục cũng thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn và cải thiện tâm trạng mẹ bầu bằng cách giải phóng endorphin.
3. Ngủ đủ giấc
Mẹ bầu nên ngủ đủ giấc, đi ngủ vào một giờ nhất định, tốt nhất nên ngủ vào 9 giờ tối, ngủ từ 8 đến 9 tiếng mỗi đêm. Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh, mẹ bầu đừng ngần ngại chợp mắt bất cứ khi nào có thể, những giấc ngủ ngắn từ 15 đến 20 phút cũng rất tốt. Tuy nhiên, hãy cẩn thận về việc ngủ quên, điều này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi hơn.
4. Hạn chế caffein
Theo các chuyên gia sản khoa, mặc dù tiêu thụ caffein vừa phải (dưới 200 miligam hoặc 1½ tách cà phê mỗi ngày) không gây sảy thai hoặc sinh non nhưng mẹ bầu không nên uống đồ uống chứa caffein khi mang thai hoặc sử dụng các chất kích thích. Tác dụng kích thích có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ và tâm trạng của mẹ bầu.
5. Thư giãn
Mang thai gây tổn hại cho cơ thể và tâm trí. Mẹ bầu sản xuất nhiều máu hơn, nhịp tim tăng lên và cần nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, tâm lý mẹ bầu dễ thay đổi. Do đó, mẹ bầu nên dành thời gian thư giãn. Đôi khi, cần phải điều chỉnh thời gian biểu của mình và hủy các kế hoạch.
Hầu hết các dấu hiệu mệt mỏi khi mang thai đều lành tính nhưng nếu mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi kéo dài, dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày cần đi khám ngày lập tức. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm và có phương pháp điều trị khi cần thiết để đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ an toàn.