5 câu hỏi chờ HLV Park Hang-seo giải đáp ở ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam
Gần một năm không được chứng kiến ĐT Việt Nam thi đấu, người hâm mộ có rất nhiều câu hỏi chờ HLV Park Hang-seo giải đáp.
3-5-2 vận hành thế nào?
HLV Park Hang-seo sẽ làm mới ĐT Việt Nam bằng cách bố trí hàng tiền đạo hai người. Nhà cầm quân người Hàn Quốc đã có ý định như vậy từ cuối năm ngoái, sau khi áp dụng có hiệu quả cho U22 Việt Nam ở SEA Games 30 nhưng chưa kịp thử nghiệm ở đội tuyển quốc gia do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các kế hoạch.
Sơ đồ 3-5-2 có thể là phương án để đội tuyển Việt Nam giải quyết các đối thủ trong khu vực. Malaysia, Thái Lan hay Indonesia đã chạm trán ĐT Việt Nam đủ nhiều để rút ra những bài học về cách đối phó với hệ thống 3-4-3.
Không chỉ vậy, khi tăng quân số ở tuyến giữa, HLV Park Hang-seo có lẽ muốn ĐT Việt Nam chú trọng hơn vào kiểm soát bóng thay vì tập trung phòng ngự, phá lối chơi của đối thủ như trước đây. Đấu với những đối thủ Đông Nam Á ngang tầm hoặc dưới cơ, ĐT Việt Nam cần áp đảo và kiểm soát trận đấu.
Nhanh hơn, nhuyễn hơn, kiểm soát bóng nhiều hơn và chuyền bóng chuẩn xác hơn là những yêu cầu mà HLV Park Hang-seo đặt ra cho ĐT Việt Nam trong những buổi tập làm quen với những điều chỉnh trong lối chơi.
Cơ hội nào cho Văn Quyết?
Khác biệt rõ rệt nhất giữa 3-4-3 và 3-5-2 là sự bố trí tuyến giữa và hàng công. Câu hỏi đặt ra là cặp tiền đạo nào sẽ được HLV Park Hang-seo, hay trợ lý Lee Young-jin thử nghiệm cho ĐT Việt Nam trong trận giao hữu nội bộ.
Với cách bố trí kiểu cổ điển gồm một trung phong hoạt động trong vòng cấm và một tiền đạo lùi chơi rộng, ĐT Việt Nam không có nhiều lựa chọn ở vị trí đầu tiên. Nguyễn Tiến Linh có lẽ là người phù hợp nhất, với vùng hoạt động sở trường ở gần khung thành đối phương và khả năng kết thúc một chạm cũng như chơi bóng trong thế quay lưng với khung thành. Hà Đức Chinh và Hồ Tuấn Tài cũng có thể được tính toán cho vai trò này.
Khi các CLB V.League đa số dùng ngoại binh đá cắm, các tiền đạo nội phải quen với nhiệm vụ đá rộng và hỗ trợ. Đó cũng là một lý do mà ở vị trí tiền đạo thứ hai của ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo có nhiều lựa chọn hơn so với trung phong.
Phan Văn Đức, Phan Văn Long và Nguyễn Văn Toàn là những mũi đột phá với điểm mạnh về tốc độ. Nếu HLV Park Hang-seo muốn một cầu thủ có khả năng cầm bóng, lùi sâu liên kết với tuyến dưới thì Văn Quyết là lựa chọn lý tưởng. Có lẽ chính vì điều này mà nhà cầm quân người Hàn Quốc gọi trở lại đội trưởng CLB Hà Nội sau khi gạt anh ra khỏi kế hoạch từ sau AFF Cup 2018. Người còn lại, Công Phượng, là sự kết hợp của cả hai phong cách kể trên.
Ai thay Văn Hậu, Duy Mạnh?
Hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam sẽ không thay đổi, bởi cách bố trí đội hình về cơ bản vẫn là ba trung vệ. Vấn đề là trong tay HLV Park Hang-seo lúc này không có đầy đủ các trụ cột tuyến phòng ngự. Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh chấn thương, Đặng Văn Lâm không được triệu tập lần này, hàng thủ ĐT Việt Nam mất tới 4 người so với đội hình vô địch AFF Cup 2018.
Ở hành lang trái, ĐT Việt Nam vẫn còn nhiều gương mặt chất lượng đã được kiểm chứng. Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh sẽ là những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.
Vị trí trung vệ lệch phải, vốn do Duy Mạnh đảm nhiệm trước khi chấn thương, sẽ khiến HLV Park Hang-seo đau đầu hơn. Trong số các phương án thay thế, Thành Chung và Thanh Hào có lẽ nhỉnh hơn những đồng đội còn lại nhờ khả năng chơi chân và phát động tấn công tốt.
Tân binh thể hiện ra sao?
Sau khi Nguyễn Hai Long chia tay ĐT Việt Nam vì chấn thương, vẫn còn lại 9 cái tên chưa từng hoặc chỉ một lần được HLV Park Hang-seo triệu tập trước đây. Họ sẽ là những làn gió mới, chờ cơ hội thể hiện. Hai trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam về bản chất vẫn là đấu tập. Đương nhiên HLV Park Hang-seo sẽ có kế hoạch sử dụng hết các cầu thủ, nhưng sẽ có những cái tên được thể hiện nhiều hơn.
Sự trở lại của Tấn Trường sau bảy năm có thể là một hình ảnh rất đáng chờ đợi. Dù chỉ là một trận đấu tập nhưng việc thủ môn kỳ cựu này được bắt cho ĐTQG lần đầu tiên dưới thời HLV Park Hang-seo sẽ là cái kết đẹp cho nỗ lực của "lão tướng" tưởng như đã hết thời này.
Ngọc Đức, Xuân Cường, Minh Tùng, Quách Tân, Văn Triền (cùng 28 tuổi) hay Nguyễn Văn Việt (31 tuổi) không còn quá trẻ và cũng không phải đặc biệt xuất sắc để có thể chiếm suất cứng trong kế hoạch dài hạn của ĐT Việt Nam. Những đàn em như Bùi Hoàng việt Anh hay ngôi sao U19 một thời Phan Văn Long có nhiều điều để thể hiện hơn.
Ai là ngôi sao của U22 Việt Nam?
Hai trận giao hữu sắp tới không chỉ là màn tập dượt của ĐT Việt Nam. Các đàn em ở đội U22 cũng là đối tượng cần thử nghiệm và học hỏi. Với một đội hình mà đa số rất ít xuất hiện ở V.League, người hâm mộ có lẽ sẽ mong đợi được chứng kiến một dấu ấn nào đó để biết tên các cầu thủ.
HLV Park Hang-seo và các học trò luôn nhấn mạnh rằng đội tuyển là một tập thể không có ngôi sao, nhưng đó chỉ là khẩu hiệu về mặt tinh thần. Một đội bóng vẫn cần có một, hoặc nhiều nhân tố nổi trội. Đó là điều mà các cổ động viên chưa thấy, hay đúng hơn là chưa có dịp được thấy ở U22 Việt Nam, những cầu thủ sẽ dự SEA Games 31 với nhiệm vụ bảo vệ tấm huy chương vàng trên sân nhà.