5 cơ sở giáo dục Việt Nam vào top trường đại học thế giới ở các nền kinh tế mới nổi
Tạp chí Times Higher Education vừa công bố bảng xếp hạng đại học thế giới ở các nền kinh tế mới nổi năm 2022; trong đó, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, tăng 2 cơ sở so với năm 2021.
5 cơ sở giáo dục đại học này là: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân.
Trong số này, có 3 cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng năm 2021 là: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đáng chú ý, năm nay có thêm hai trường lần đầu được xếp hạng là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Cả hai trường này đều ở vị trí cao. Cụ thể, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp ở vị trí 82; Trường ĐH Duy Tân ở vị trí 107; ĐH Quốc gia Hà Nội, vị trí 301-350; ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, vị trí 401-500 và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, vị trí 501+.
Xếp hạng đại học thế giới ở các nền kinh tế mới nổi của Times Higher Education bao gồm: các cơ sở giáo dục ở các quốc gia được nhóm FTSE của Sàn Giao dịch Chứng khoán London phân loại là “Advanced emerging” (mới nổi tiên tiến), “Secondary emerging” (mới nổi thứ cấp) và “Frontier” (kinh tế tiên phong).
Năm 2022, có 698 cơ sở giáo dục đại học thuộc 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được THE xếp hạng, tăng 92 cơ sở so với năm 2021. Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều trường dẫn đầu bảng xếp hạng nhất với 5 trường nằm trong Top 10 và cũng là quốc gia có nhiều trường trong nhóm 200 nhất với 51 trường.
Một số đại học hàng đầu của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng cao như: Đại học Malaya (Malaysia) đứng vị trí 36, Đại học Công nghệ Petronas (Malaysia) đứng vị trí 60, Đại học Putra Malaysia, đứng vị trí 81, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Việt Nam) đứng vị trí 82, Đại học Mahidol (Thái Lan) đứng vị trí 87, Đại học Kebangsaan Malaysia đứng vị trí 91…
Bảng xếp hạng này của THE sử dụng 5 “trụ cột” để đánh giá và xếp hạng gồm: Giảng dạy (môi trường học tập chiếm trọng số 30%); Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng chiếm trọng số 30%); Trích dẫn khoa học (ảnh hưởng của nghiên cứu chiếm 20%);
Triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu chiếm 10%) và Thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức chiếm 10%) của các cơ sở giáo dục nhưng có sự điều chỉnh về trọng số các tiêu chí để phản ánh được những ưu tiên phát triển của các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi.
Times Higher Education (THE) của Anh là một tạp chí báo cáo cụ thể về tin tức và các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học. Hàng năm, Times Higher Education công bố các bảng xếp hạng để đánh giá các trường đại học trên toàn cầu dựa trên nghiên cứu những nhiệm vụ cốt lõi của một trường đại học, theo các bộ chỉ số đo lường tiêu chuẩn nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và công bằng. Do đó, THE được sinh viên, học giả, các cơ sở giáo dục đại học, chính phủ cũng như giới học thuật tin tưởng. Bảng xếp hạng của THE được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng giáo dục có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.