5 cuốn sách giúp bạn nhanh hái quả ngọt nghề 'content creator'
Trong báo cáo của Google về những xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất năm qua tại Việt Nam, có một từ khóa mới toanh lọt vào danh sách: 'Cách làm affiliate TikTok'.
Còn theo nghiên cứu của Adobe công bố vào tháng 10/2022 mang tên “Kiếm tiền ngành sáng tạo nội dung” (khảo sát 9000 nhà sáng tạo nội dung không chuyên tại 9 quốc gia), 50% content creator tuổi từ 16 đến 18 cho biết muốn theo đuổi nghề “xây kênh” thay vì học lên đại học. Nghiên cứu trên dự đoán ngành nghề này sẽ còn phát triển mạnh trong 2 năm tiếp theo - trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, với từng cá nhân, sáng tạo nội dung không hề là một lựa chọn đơn giản. Bạn cần sở hữu quyết tâm cao độ, sức bền, sự nhạy bén, cùng một tổ hợp các kỹ năng đa dạng. Ngoài ra, sự am hiểu nhiều nền tảng nội dung, từ Facebook, YouTube đến Instagram, TikTok (chưa kể những kênh sẽ xuất hiện trong tương lai) là hết sức quan trọng.
Dưới đây là 5 cuốn sách sẽ cung cấp kiến thức cần thiết để bạn nhanh chóng chinh phục công việc này trong năm 2024.
“Streampunks - Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông”
Là một cuốn sách về YouTube và được viết bởi chính cựu giám đốc kinh doanh YouTube - Robert Kyncl, “Streampunks” là nguồn tham khảo hàng đầu dành cho những content creator muốn tham gia nền tảng chia sẻ video này.
Trong cuốn sách, Robert Kyncl như bày ra một “lược sử” thu nhỏ về YouTube, cung cấp một cái nhìn tổng quan cũng như những bước đột phá quan trọng của trang web này. Song song đó, sách cũng mô tả sinh động sự dịch chuyển từ truyền thông cũ (truyền hình, báo giấy) sang truyền thông mới (truyền thông mạng xã hội).
Điều hữu ích và truyền cảm hứng nhất mà Robert Kyncl chia sẻ chính là cách người trẻ đổi mới trong việc tiêu thụ lẫn sáng tạo nội dung. Bạn đọc sẽ hiểu về cách content creator đời đầu đó chinh phục khán giả thông qua sự chân thật, không chấp nhận các chuẩn mực truyền thông cũ, dám cất lên tiếng nói của thế hệ mình.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ học hỏi được từ đây cách họ thu hút khán giả; nuôi dưỡng và phát triển các cộng đồng; cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo ra nội dung chất lượng.
“Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram”
Tiếp theo, đây là cuốn sách không thể bỏ qua với những nhà sáng tạo nội dung trên Instagram và Facebook - hai mạng xã hội định hình kinh doanh, văn hóa rõ rệt nhất trong 10 năm qua.
“Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” (“No Filter”) kể lại sự ra đời và lớn mạnh của Instagram, bao gồm cả việc “được” Facebook mua lại vào năm 2012. Đọc về thương vụ sát nhập gay cấn này, các content creator sẽ có cái nhìn thấu suốt về giá trị, văn hóa khác biệt giữa hai nền tảng.
Ngoài ra, một “bộ sưu tập” chân dung các influencer (người ảnh hưởng) đầu tiên trên Instagram cũng sẽ cho bạn đọc nhiều góc nhìn đa chiều, thú vị. Đặc biệt, những vấn đề về áp lực xuất bản nội dung, sự kiệt sức, mất cảm hứng, suy giảm sức khỏe tinh thần… sẽ đặt ra cho các content creator nhiều suy ngẫm đáng giá.
“Thời đại thứ tư”
AI (artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) rõ ràng đang “xâm chiếm” thế giới, và sẽ còn thay đổi rất nhiều ngành sáng tạo nội dung trong tương lai. Nhiều công cụ AI vẫn đang được xây dựng và cải tiến để hỗ trợ con người tìm kiếm ý tưởng; viết và chỉnh sửa nội dung; tra cứu và tóm tắt thông tin; tạo hình ảnh, âm thanh và video… - tất nhiên là theo cách nhanh chóng hơn nhiều lần.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của những nền tảng như TikTok đang tăng áp lực về tần suất sản xuất nội dung, bắt buộc các content creator cần AI hỗ trợ trong nhiều công đoạn.
“Thời đại thứ tư” (“The Fourth Age”), cuốn sách bán chạy hàng đầu hiện nay về AI, sẽ cung cấp những hiểu biết cơ bản, toàn cảnh nhất về AI, dưới một ngòi bút rất dễ hiểu, đại chúng, không hề hàn lâm hay nặng tính kỹ thuật.
Những thông tin từ cuốn sách sẽ giúp bạn tự trả lời những câu hỏi: Tôi có thể tận dụng AI vào những khâu nào của công việc? Tôi cần tập trung phát triển năng lực nào để có thể tỏa sáng trong tương lai, với tư cách một con người?
Ngày nay mọi người đều nói về AI và robot, nhưng nó có vẻ quá rộng lớn và bí ẩn đến mức nhiều người đang cảm thấy hoàn toàn lạc hướng. Tất cả điều này bắt đầu từ đâu? Nó đang đi đến đâu? Và nó sẽ kết thúc như thế nào? “Thời đại thứ tư” tập hợp tất cả các chủ đề “đáng sợ” đó rồi làm sáng tỏ chúng theo cách đơn giản, rõ ràng, đầy thuyết phục.
“Inbound Content”
Kế đến, có một câu hỏi mà nhà sáng tạo nội dung nào cũng trăn trở: Làm sao để sản xuất content thật thu hút, phù hợp, nhất quán và bền bỉ?
“Inbound Content” là cuốn sách mà bạn có thể tìm thấy mọi thứ về sản xuất nội dung: từ chiến lược, thực thi, cho đến phân phối, quảng bá và đo lường nội dung… Ấn phẩm được viết bởi Justin Champion - chuyên gia digital marketing dày dạn kinh nghiệm, và được phát hành bởi HubSpot, công ty hàng đầu thế giới về marketing kỹ thuật số.
Những kinh nghiệm xương máu từ Justin Champion sẽ tiết kiệm cho bạn kha khá thời gian và những bước đi sai lầm. Chẳng hạn, Justin nhắc nhở chúng ta rằng quá trình tạo nội dung “là một cuộc đua marathon chứ không phải là một cuộc đua chạy nước rút”.
Hoặc, anh chia sẻ: “Bạn cần phải có một quy trình thay thế nâng cao hơn việc chỉ viết và xuất bản nội dung. Bạn cần có khả năng xác định các chiến dịch, đặt các mốc thời gian (timelines) và xem xét, chỉnh sửa nội dung trước khi nó đi vào hoạt động”.
Bên cạnh các chiến lược tổng thể, xuyên suốt 12 chương sách Justin Champion còn chỉ dẫn độc giả từng chi tiết nhỏ nhất: Từ các “bẫy” ngữ pháp thường gặp, cách sử dụng từ ngữ đắt giá, cách tạo một bài viết đăng trên blog… Có thể nói, hàm lượng kiến thức lẫn chỉ dẫn thực tế từ cuốn sách này không hề thua kém một khóa học nội dung bạc triệu nào.
“Đừng trở nên xấu xa”
Cuối cùng, các content creator cần có những hiểu biết thấu đáo về các ông trùm công nghệ (Big Tech) - Google, Facebook… - chính là “chủ nhà” của những nền tảng mà bạn đang hoạt động.
Trong “Đừng trở nên xấu xa” (“Don’t be Evil”), tác giả Rana Foroohar - phó tổng biên tập Financial Times tập trung làm rõ mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo nhắm đối tượng (targeted advertising) của các Big Tech. Cô gọi đây là mô hình kinh doanh “ác tính”, bởi nó thu lợi từ việc khai thác dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng một cách không công bằng.
Vì các chỉ tiêu kinh doanh, như tác giả chỉ ra, các ông lớn công nghệ sẵn sàng tìm mọi phương cách để thu hút và giữ chân sự chú ý của người dùng. Từ đó, Big Tech trực tiếp lẫn gián tiếp gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống con người: Chứng nghiện công nghệ và bong bóng nhận thức; phá hoại việc làm và sinh kế; làm giảm sút các phát minh sáng tạo; thao túng chính trị…
Liệu xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn hay… xấu xí hơn do những nền tảng này? Và những người sáng tạo nội dung có đang để các “luật chơi” của Big Tech ảnh hưởng tiêu cực đến chính mình và khán giả của mình? Những khám phá từ “Đừng trở nên xấu xa” là cực kỳ cần thiết với những content creator hướng thiện, có mong muốn tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và xã hội.