5 đặc sản Hội An khiến du khách ngất ngây khi nếm thử
Cao Lầu, cơm gà, bánh mỳ Phượng,... là những món ăn đặc sản Hội An mà du khách không thể bỏ lỡ.
Hội An hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Hội An để lại ấn tượng trong lòng mỗi du khách về những cảnh quan cổ kính, thơ mộng, hay những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc rực rỡ trong đêm. Nhắc đến Hội An, bên cảnh khung cảnh đẹp ta không thể không nhắc đến ẩm thực nơi đây. Đây là yếu tố thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm mỗi năm.
Cơm gà
Đặc sản này đã có từ khoảng năm 1950. Được biết, vùng quê Tam Kỳ nổi tiếng với thịt gà ngon nên có thể cơm gà cũng có nguồn gốc từ đây. Sau đó, bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, người Hội An đã tận dụng nguồn thịt gà tươi ngon từ Tam Kỳ cùng loại gạo dẻo thơm được trồng bên dòng sông Thu Bồn đã làm nên món cơm gà thơm ngon nức tiếng.
Cơm gà là cái tên đầu tiên phải kể đến trong danh sách ẩm thực Hội An. Đây là những quán cơm gà nổi tiếng lâu đời ở phố cổ và là nơi hút khách du lịch khi đến đây.
Suất cơm gà tiêu chuẩn phải được chế biến từ gạo ngon và gà ngon. Gà thường là gà nuôi tự nhiên, có trọng lượng trên 1kg. Gạo được chọn lọc là loại gạo dẻo, thơm, nấu bằng nước luộc gà với lá dứa. Món ăn đặc sản Hội An này thường được ăn kèm với bát nước luộc gà có trứng, tràng và loại sốt được chế biến theo công thức đặc trưng.
Nước Mót
Nếu thành phố hoa lệ Sài Gòn nức tiếng với những ly cà phê đậm đà, Hà Nội đặc trưng bởi cốc trà đá vỉa hè mát lạnh thì Hội An lại thu hút du khách nhờ món trà Mót mang hương vị thảo mộc đặc trưng.
Nước mót là món nước được làm từ các loại thảo mộc thiên nhiên rất nổi tiếng ở Hội An, được mệnh danh là thức uống không thể bỏ lỡ của hầu hết du khách đến với phố cổ. Nước mót được nấu từ nhiều loại thảo mộc như: La hán quả, cam thảo, kim ngân hoa, hạ khô thảo, lá trà xanh, hoa cúc, lá sen khô, sả, mật ong, đường,...
Mỳ Quảng
Khác với sợi mì thông thường thường làm bằng bột mì, sợi mỳ Quảng lại làm bằng bột gạo. Nước dùng của mì Quảng nấu từ các nguyên liệu chính như thịt heo, xương heo… Người ta thường dùng thêm xốt cà để tạo màu đẹp mắt và hương thơm cho nước dùng. Nước dùng mỳ Quảng không nấu theo dạng loãng mà rất đặc, hơi sánh và được nêm đậm đà.
Bên cạnh những tô mì truyền thống như tôm thịt, mì gà thường thấy thì giờ đây mỳ Quảng có thêm mỳ ếch, mỳ bò, mỳ cua,.. với hương vị rất riêng cũng khá hấp dẫn.
Cao Lầu
Cao Lầu xuất hiện từ thế kỷ XVII, thời điểm đó, khi chúa Nguyễn quyết định mở cửa giao thương tại cảng Hội An, rất nhiều người Nhật, người Hoa đến mảnh đất này để buôn bán, sinh sống. Từ đó, mì cao lầu Hội An cũng xuất hiện như một nét ẩm thực đặc trưng của địa phương này.
Một trong những thành phần quan trọng không thể thiếu trong đặc sản cao lầu ở Hội An đó là những loại rau. Món ăn này có thể ăn kèm với 12 loại rau khác nhau như: khế chua, dưa leo, bắp chuối, cải non, diếp cá, xà lách, giá, ngò, rau đắng, cải cúc, rau quế, rau thơm…
Cao lầu có thể thưởng thức khi ăn kèm với bánh đa, trộn với nước sốt,... Hiện nay, tại Quảng Nam, món ăn này cũng được biến tấu thành nhiều loại khác nhau như: cao lầu chay Hội An, cao lầu khô Hội An …
Bánh mỳ Phượng
Bánh mỳ Phượng ra đời từ năm 1990, ban đầu chỉ là một quầy hàng nhỏ trong chợ. Ngày càng đông khách, chủ quán chuyển ra đường Phan Châu Trinh giữa phố cổ Hội An.
Đến năm 2009, món bánh mì xứ Quảng nổi tiếng trên toàn thế giới, sau khi cố đầu bếp huyền thoại người Mỹ Anthony Bourdain đánh giá hương vị là “một bản giao hưởng bánh mì” trong chương trình trải nghiệm No Reservations.
Bí kíp tạo nên hương vị đặc biệt của bánh mì Phượng chính là món nước sốt theo công thức bí truyền. Bất kì phần nhân bánh mì nào khi kết hợp với nước sốt cũng đều mang tới hương vị hoàn hảo. Đặc biệt, pate gan heo và thịt xay cũng được làm theo công thức riêng.