5 điểm nóng 'lãng quên' có nguy cơ leo thang căng thẳng, bất ổn trong năm nay
Ngoài 2 cuộc xung đột lớn là Nga-Ukraine và Israel-Hamas đã phủ bóng toàn cầu trong năm 2023 và kéo sang cả năm 2024, năm nay thế giới đang chú ý đến 5 điểm nóng khác có nguy cơ leo thang bất ổn.
Trong bài viết đăng trên tờ The Conversation, chuyên gia Jessica Genauer tại ĐH Flinders (Úc) nhận định năm 2023 là một năm đầy bạo lực, với hai cuộc xung đột lớn là Nga-Ukraine và Israel-Hamas.
Thực tế, ngoài hai cuộc xung đột trên vốn chiếm phần lớn sự chú ý của cộng đồng quốc tế, thế giới còn có những điểm nóng khác đáng ngại. Những nơi này đang đối mặt tình trạng bất ổn âm ỉ, có thể leo thang hơn nữa trong năm 2024.
Dưới đây là 5 điểm nóng mà tác giả tin rằng xung đột dân sự hoặc tình trạng bất ổn có thể trở nên tồi tệ hơn và có khả năng dẫn đến bạo lực.
Lebanon
Năm 2019, cuộc biểu tình dân sự nổ ra và lan rộng ở Lebanon để phản đối chính phủ vì đã không giải quyết được nhu cầu hàng ngày của người dân.
Tình hình trở nên xấu đi khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Lebanon ngày càng trầm trọng và vụ nổ ở kho cảng Beirut hồi năm 2020 đã phơi bày tình trạng tham nhũng ở nước này.
Hồi tháng 9-2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích Lebanon vì thiếu cải cách kinh tế. Chính phủ Lebanon cũng không đạt được thỏa thuận trong việc bổ nhiệm tổng thống - một vị trí đã bị bỏ trống hơn một năm.
Điều này có nguy cơ làm suy yếu sự sắp xếp chia sẻ quyền lực mong manh ở Lebanon, trong đó các chức vụ chính trị chủ chốt như thủ tướng, chủ tịch quốc hội và tổng thống lần lượt được phân bổ cho người Hồi giáo Sunni, người Hồi giáo Shia và người Maronite theo đạo Cơ đốc.
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) bùng nổ vào tháng 10-2023 cũng có nguy cơ lan sang Lebanon - quê hương của nhóm vũ trang Hezbollah.
Những yếu tố này có thể gây ra sự sụp đổ kinh tế và chính trị nghiêm trọng hơn ở Lebanon trong năm 2024.
Mali
Tại Mali - quốc gia thuộc khu vực Sahel đầy biến động của châu Phi, căng thẳng leo thang suốt năm 2023 và hiện có nguy cơ bùng phát thành một cuộc nội chiến toàn diện.
Mali từ lâu đã phải đối phó các cuộc nổi dậy. Năm 2012, chính phủ Mali sụp đổ sau một cuộc đảo chính và phiến quân người Tuareg lên nắm quyền ở miền bắc ở quốc gia Tây Phi này.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) được thành lập vào năm 2013 nhằm mang lại sự ổn định cho Mali. Sau đó, vào năm 2015 các nhóm nổi dậy ký kết thỏa thuận hòa bình với chính phủ Mali.
Sau hai cuộc đảo chính nữa vào năm 2020 và 2021, quân đội Mali lên nắm quyền và tuyên bố sẽ khôi phục toàn quyền kiểm soát lãnh thổ của nhà nước đối với toàn bộ Mali. Tháng 6-2023, chính quyền quân sự Mali yêu cầu Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ rời khỏi nước này.
Ngay sau đó, bạo lực nổ ra giữa quân đội và lực lượng nổi dậy về việc sử dụng các căn cứ của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ.
Vào tháng 11-2023 quân đội Mali, được cho là có sự hậu thuẫn của tập đoàn quân sự Wagner của Nga, nắm quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Kidal ở phía bắc, vốn do lực lượng Tuareg nắm giữ từ năm 2012. Điều này làm suy yếu nền hòa bình mong manh được duy trì kể từ năm 2015.
Theo ông Genauer, khó có khả năng quân đội sẽ giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn tất cả khu vực do phiến quân Tuareg nắm giữ ở phía bắc Mali trong bối cảnh lực lượng này đang ra sức chống trả. Với thực tế thỏa thuận hòa bình năm 2015 hiện gần như đã chết, tình hình bạo lực ở Mali có thể chứng kiến sự biến động gia tăng vào năm 2024.
Pakistan
Vào năm 2022 Thủ tướng Pakistan lúc đó là ông Imran Khan bị quốc hội Pakistan phế truất với cáo buộc ông không xử lý được khủng hoảng kinh tế, dẫn tới loạt cuộc biểu tình lớn nổ ra trên khắp các thành phố ở Pakistan.
Tháng 8-2023, ông Khan bị bắt và chịu án 3 năm tù giam về tội tham nhũng - những cáo buộc mà những người ủng hộ ông cho rằng mang động cơ chính trị. Các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra trên toàn quốc sau khi cựu thủ tướng bị bắt.
Pakistan cũng phải đối mặt với sự bất ổn lan tỏa ở nước láng giềng Afghanistan và các cuộc tấn công khủng bố gia tăng. Những thách thức an ninh này càng trở nên trầm trọng hơn do nền kinh tế đang gặp khó khăn và thiệt hại từ trận lũ lụt tàn khốc năm 2022.
Pakistan dự kiến sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 2 năm nay. Sau đó, chính phủ tạm quyền quân sự hiện tại dự kiến sẽ chuyển giao quyền lực cho chế độ dân sự. Nếu việc chuyển giao quyền lực này không diễn ra hoặc có sự chậm trễ, tình trạng bất ổn dân sự có thể xảy ra, theo chuyên gia Genauer.
Sri Lanka
Vào năm 2022 Sri Lanka đã phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực và y tế nghiêm trọng. Các cuộc biểu tình dân sự đã khiến Tổng thống lúc bấy giờ là ông Gotabaya Rajapaksa phải chạy trốn khỏi đất nước.
Sự ổn định trở lại vào năm 2023 khi Sri Lanka bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế như một phần của thỏa thuận cứu trợ với IMF. Dù vậy, sự bất mãn của người dân đối với giới tinh hoa chính trị Sri Lanka ngày càng lan rộng và những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó khăn kinh tế của đất nước vẫn chưa được giải quyết.
Sự bất mãn này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình mới, đặc biệt nếu nền kinh tế lại rơi vào khó khăn.
Myanmar
Năm 2023, Myanmar chứng kiến tình trạng giao tranh leo thang giữa chính quyền quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang sắc tộc, đặc biệt là tại khu vực biên giới phía bắc giữa Myanmar và Trung Quốc.
Các nhóm vũ trang sắc tộc được cho là đã giành quyền kiểm soát các thị trấn và làng mạc ở biên giới phía bắc với Trung Quốc, bao gồm quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng. Hồi tháng 11-2023, quyền Tổng thống Myanmar - ông Myint Swe cảnh báo rằng nước này có nguy cơ bị chia cắt nếu quân đội không thể ngăn chặn các cuộc tấn công trên, theo tờ Global New Light of Myanmar.
Vào tháng 12-2023 Trung Quốc cho biết tiến trình đàm phán hòa bình giữa các bên trong giao tranh ở Myanmar đã đạt được kết quả tích cực.
Dù vậy, chuyên gia Genauer dự đoán sự kháng cự của các nhóm vũ trang sắc tộc cho thấy tình hình giao tranh ở Myanmar có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm 2024.