5 điều cần biết về thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử được phát hành kể từ tháng 1/2021

So với chứng minh thư và thẻ CCCD mã vạch hiện nay thì thẻ CCCD gắn chip có độ bảo mật, dung lượng lưu trữ cao hơn nhiều.

Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định: "Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam".

Khoản 1 Điều 3 Luật căn cước công dân 2014 quy định: "Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này".

Về bản chất thì CMND và CCCD giống nhau, là loại giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân. Tuy nhiên có những điểm khác nhau là hạn sử dụng, hạn của CMND là 15 năm. Với thẻ CCCD, sau lần cấp mới, mọi người phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip tại Quyết định 1368/QĐ-TTg và sẽ bắt đầu được thi hành từ tháng 1/2021.

Thẻ CCCD gắn chip là gì?

Thẻ căn cước gắn chip hay còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID). Đây là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái... Nó đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Về cơ bản, e-ID là thiết bị xác thực điện tử tích hợp chip bên trong. Con chip có kích thước tương tự như trên thẻ ATM. Để truy cập vào thông tin nằm trong chip, các thẻ sẽ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt hoặc cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID).

Thẻ căn cước điện tử có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành, đi kèm nó là những thông tin cá nhân đã được tổng hợp lại của công dân.

Đổi sang thẻ CCCD gắn chip có thuận lợi gì?

Được biết, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Ngoài việc cho phép chính quyền quản lý, truy suất dữ liệu công dân nhanh, chính xác và dễ dàng, thẻ căn cước điện tử còn cho phép người dùng có thể truy cập và sử dụng hệ thống dịch vụ công.

Nó còn tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.

Ai phải đi đổi sang CCCD gắn chip?

Nhiều người hiểu lầm rằng, khi thẻ CCCD gắn chip được ban hành, tất cả mọi công dân (dù là đang dùng CMND hay CCCD có mã vạch) đều phải đồng loạt đi đổi sang CCCD có gắn chip. Tuy nhiên, không phải vậy, dưới đây là 2 trường hợp bắt buộc đổi và không bắt buộc đổi thẻ CCCD gắn chip.

Trường hợp bắt buộc đổi: CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch hết hạn, hỏng mới nằm trong diện bắt buộc phải đổi sang CCCD mới. Từ trên xuống là CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD hiện hành

Trường hợp không bắt buộc đổi: Những người có CMND 12 số, CCCD mã vạch còn hạn sử dụng, không bị hỏng, rách vẫn được tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn. Ngoài ra, những người có nhu cầu đổi sang CCCD gắn chip cũng có thể làm thủ tục để đổi.

Đổi sang CCCD gắn chip, có cần làm lại các giấy tờ khác?

Theo đại diện Bộ Công an, việc đổi sang CCCD gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số CCCD mã vạch trước đó. Vì thực tế, số trên CCCD gắn chip với số trên CCCD mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ.

Vì vậy sau khi được cấp CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số CCCD trước đây bình thường mà không hề có bất cứ khó khăn nào.

Mất CCCD gắn chip có sao không?

Như phân tích ở trên, CCCD gắn chip tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân. Theo đó, nhiều công dân bày tỏ sự lo ngại nếu như đánh mất thẻ và rơi vào tay kẻ trộm, liệu có vấn đề gì không?

Cũng theo Bộ Công an, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì.

Hạnh Koy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/5-dieu-can-biet-ve-the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-dien-tu-duoc-phat-hanh-ke-tu-thang-1-2021-220216122248652.htm