Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống
Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN, chia sẻ, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được triển khai rộng rãi trên hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội. Các nhiệm vụ KH&CN thời gian qua đều giải quyết các vấn đề cấp thiết của các ngành, địa phương.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2024, Sở KH&CN đã tổ chức hội đồng nghiệm thu, thanh lý hợp đồng 53 đề tài, dự án. Trong đó, xếp loại đạt trở lên là 51 nhiệm vụ; 2 nhiệm vụ xếp loại không đạt và xử lý 5 nhiệm vụ do vi phạm hợp đồng, dừng thực hiện.
Ðặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, nâng cao năng suất, chất lượng giống tôm sú, thẻ; các giống thủy sản đặc sản của địa phương (ba khía, cá thòi lòi, sò huyết...) là thành tựu nổi bật nhất. Tiêu biểu nhất là việc ứng dụng công nghệ xử lý nước bằng hệ thống màng lọc sợi rỗng nhằm loại bỏ hơn 95% các chất lơ lửng, vi rút, vi khuẩn, vi bào tử trùng... gây hại cho tôm. Sử dụng nước đã qua xử lý hệ thống màng lọc sợi rỗng nuôi vỗ tôm mẹ và ương giống theo công nghệ Biofloc đảm bảo an toàn sinh học, tôm giống sạch các bệnh, như hội chứng tôm chết sớm, bệnh do ký sinh trùng, bệnh đốm trắng...
Ðã sinh sản thành công, làm chủ quy trình công nghệ và chuyển giao quy trình sản xuất giống ba khía cho các trại sản xuất giống, trong đó nổi bật là mô hình ương giống ba khía trong ao lót bạt, tỷ lệ sống trung bình 81%. Trên lĩnh vực nuôi thủy sản, tỉnh đã ứng dụng công nghệ tuần hoàn (RAS) trong nuôi tôm siêu thâm canh ít xả thải, Semi-Biofloc, nuôi 3 giai đoạn đối với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh; ứng dụng quy trình sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, sinh thái, VietGAP... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Trên lĩnh vực trồng trọt, nhiều thành tựu về công nghệ sinh học, tuyển chọn, chuyển đổi, nhân rộng các giống cây trồng, quy trình canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương được ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Cụ thể như ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong việc lai tạo chọn giống lúa chịu mặn, thích ứng biến đổi khí hậu và đã lai tạo, bảo hộ thành công quyền sở hữu và công nhận giống lúa CaMau1 có khả năng chịu mặn 4‰, giống ngắn ngày 95-105 ngày, năng suất bình quân 5 tấn/ha, đặc biệt là thích hợp phát triển sản xuất trên vùng đất lúa - tôm. Ứng dụng công nghệ tế bào thực vật, sản xuất giống sạch bệnh bằng công nghệ Invitro, đến nay đã làm chủ và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cây keo lai, cây tràm và đang xúc tiến triển khai nhân rộng cây giống cấy mô tế bào thực vật, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Có thể thấy, thông qua các kết quả nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn giống mới và bảo hộ giống cây trồng giúp tỉnh chủ động về công tác cung cấp giống kịp thời cho mùa vụ sản xuất; giúp giảm chi phí sản xuất cũng như thích ứng tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu.
Ngoài ra, còn nhiều đề tài khoa học trên lĩnh vực y, dược, xã hội,.. được nghiên cứu thành công và ứng dụng vào thực tế. Ông Thanh cho biết thêm, hầu hết các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu được bàn giao cho các sở, ngành và địa phương để ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song việc phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, nhất là việc đề xuất, xác định danh mục đề tài, dự án khoa học. Theo ông Thanh phân tích, vẫn còn một số đề xuất đề tài, nhiệm vụ chưa sát với nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hầu hết các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hằng năm Sở KH&CN (cơ quan thường trực) tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học trên cơ sở do đơn vị đề xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương chưa cao, nên kết quả nghiên cứu ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng còn hạn chế...
Ngoài ra, một số dự án cấp Nhà nước, Bộ KH&CN đã thông qua hội đồng xét duyệt đề cương thuyết minh, thẩm định kinh phí nhưng không triển khai thực hiện hoặc giải ngân kinh phí rất chậm so với hợp đồng KH&CN đã ký kết, làm ảnh hưởng đến nội dung, tiến độ dự án đã được phê duyệt. Cụ thể, hiện nay có 3 trong số 7 đề tài, dự án Bộ KH&CN đã thẩm định kinh phí từ năm 2021 nhưng đến nay thông báo không tiếp tục thực hiện.
“Công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu thử nghiệm vào sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn do chưa huy động được các nguồn lực để tham gia triển khai ứng dụng; vốn đầu tư cho công tác ứng dụng của các ngành, địa phương và hộ dân còn hạn chế”, ông Thanh cho biết thêm.
Ðể nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nhân rộng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, việc đầu tiên cần nâng cao chính là đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hằng năm. Việc đề xuất đặt hàng, xác định đề tài, dự án KH&CN đưa vào danh mục thực hiện hằng năm phải thiết thực, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ông Thanh cho rằng, cần phát huy tối đa vai trò của Hội đồng KH&CN tỉnh và hội đồng KH&CN cấp cơ sở (mỗi sở, ban, ngành đã có hội đồng KH&CN) trong tư vấn, xác định danh mục đề tài, dự án, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, lựa chọn được những nhiệm vụ thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Không chỉ vậy, hội đồng khoa học các ngành, các địa phương phải tích cực rà soát những khó khăn, trở ngại, thách thức và cơ hội của thực tiễn để đề xuất đặt hàng nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm ứng dụng thành tựu KH&CN đột phá.
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay thì KH&CN trở nên quan trọng và cấp thiết. Ðặc biệt là các đề tài, dự án KH&CN liên quan đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra sản phẩm cụ thể, có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khoa-hoc-cong-nghe-nen-tang-cho-san-xuat-va-doi-song-a35624.html