5 'không' cần ghi nhớ cho nhân viên mới nhận việc

Khác với nhân viên kì cựu, nhân viên mới cần học hỏi nhiều hơn về cả chuyên môn và cách hòa nhập với môi trường làm việc. Bởi hành trình xây dựng sự nghiệp của họ chỉ mới bắt đầu và đây là thời điểm cực kì nhạy cảm. Để không bị đánh giá thấp, 5 'không' cần ghi nhớ cho nhân viên mới nhận việc là điều bạn nên lưu ý.

Không thể hiện quá nhiều cảm xúc

Cảm xúc cá nhân là điều bạn có thể giữ riêng cho bản thân mình. Bạn sẽ không biết rõ mọi người đang đối xử với nhau như thế nào, tâm thế ra sao... Bạn chỉ mới vào làm sau quá trình tham gia tuyển dụng ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… nên việc của bạn là nỗ lực thay vì hiếu kì và bộc lộ cảm xúc cá nhân một cách không cần thiết.

Trong công việc, bạn nên lịch sự và khéo léo, giữ thái độ ôn hòa với tất cả mọi người; không dùng những lời nói và thể hiện thái độ dựa trên cảm tính cá nhân. Không nên bị chi phối bởi những người có ý đồ xấu luôn muốn chia rẽ. Không hưởng ứng khi ai đó bị đánh giá xấu. Bạn nên biết im lặng khi nghe người này nói xấu người kia… Khi đã làm chủ được cảm xúc của mình bạn sẽ tránh rắc rối và dễ dàng để cân bằng các mối quan hệ cũng như công việc thuận lợi hơn.

Không thể hiện/ khẳng định quan điểm quá sớm

Bạn là nhân viên mới nên sẽ chưa hiểu hết được tình hình ở công ty hay phòng ban. Khi có một vấn đề nào đó, bạn nên để những khác bày tỏ quan điểm của họ trước. Việc của bạn là lắng nghe và quan sát, đối chiếu để phân định đúng sai, hợp lí hay chưa….

Môi trường làm việc thường phức tạp nên cần sự khéo léo. Việc bạn thể hiện quan điểm quá sớm, quá rõ ràng không hay và dễ bị sai lạc. Bởi vì có những vấn đề bạn chưa hiểu cặn kẽ hoặc nắm bắt được rõ ràng, tường tận, nên có thể bạn thấy như vậy nhưng thực tế lại khác.

Cách tốt nhất để bạn có thể tránh gặp rắc rối ở thời gian mới nhận việc đó là ít thể hiện quan điểm càng tốt. Bạn chỉ nên giữ vị thế trung lập và tập trung làm việc để đạt năng suất tốt nhất có thể.

Không than phiền, chỉ trích

Những lời than phiền, chỉ trích sẽ là bức tường cản trở lớn chính công việc của bạn. Nó tạo nên những mâu thuẫn, ác cảm của người khác đối với bạn và cơ hội làm việc cũng sẽ bị thu hẹp.

Lời than phiền không giải quyết được vấn đề mà làm cho hình ảnh bạn trở nên xấu xí tiêu cực trong mắt những người xung quanh. Chắc chắn không có người sếp nào chấp nhận được tuyp nhân viên này. Người hay than phiền và chỉ trích sẽ làm cho người khác chán ghét và không muốn hướng dẫn công việc. Kiểu người này còn tạo ra không khí tiêu cực cho tập thể.

Bạn là nhân viên mới nhận việc, điều quan trọng cần làm là tập trung học hỏi người đi trước, tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, với cấp trên; sẵn sàng làm việc chăm chỉ và hỗ trợ người khác nếu cần thiết và hợp lí. Nếu thấy vấn đề nào đó không hợp lí mà trong trường hợp cần thiết thì bạn có thể chọn cơ hội thích hợp khéo léo chia sẻ riêng với người có trách nhiệm cho mảng đó thay vì đi nói lung tung.

Không tùy tiện làm theo cách riêng của mình

Mỗi nơi sẽ có văn hóa làm việc khác nhau và quy trình được thiết lập sẵn. Họ đã có thời gian dài trong quá trình nghiên cứu và xây dựng. Công ty sẽ không vì bạn mà thay đổi.

Khi vào làm ở thời gian đầu, bạn cần lưu ý quan sát và học hỏi cách làm việc của những người trong đội. “Nhập gia tùy tục” – bạn không nên tùy tiện thay đổi, làm theo cách riêng của mình. Bạn chỉ là người mới và mọi thứ đang vận hành theo quy trình riêng của họ lâu nay, chính bạn phải thay đổi để phù hợp và không nên có thái độ chống đối.

Đề xuất một cách làm mới quá sớm đôi khi là nguyên nhân làm bạn bị đánh giá là thích thể hiện hay “cầm đèn chạy trước ô tô”. Thay vào đó nên chờ một thời gian khi bạn đủ vững vàng và hiểu rõ được hết công ty thì có thể thoải mái hơn.

Không ngại việc, chọn việc

Ở một môi trường công việc mới, bạn cần thể hiện được những phẩm chất tốt của mình trong mắt sếp và đồng nghiệp, trong đó có sự chăm chỉ. Kiểu nhân viên siêng năng chăm chỉ luôn “được lòng” nhất. Ngược lại người chọn việc, ngại việc thường sẽ bị đồng nghiệp ghét và sếp đánh giá thấp.

Bạn nghĩ rằng mình là người khôn ngoan nên biết chọn việc để làm, đây là suy nghĩ sai lầm. Thực tế, là nhân viên mới, bạn sẽ bị quan sát nhiều hơn. Nếu nhận thấy bạn là kiểu người ngại việc, chọn việc công ty sẽ không đánh giá cao, thậm chí sẵn sàng cho bạn nghỉ việc.

Chính vì vậy bạn nên làm việc với tâm thế nỗ lực, không ngại khó ngại khổ, không chọn việc nhẹ, việc dễ.

Là nhân viên mới nhận việc, bạn nên “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Hơn nữa bạn còn phải nỗ lực gấp nhiều lần để trở thành một nhân viên ưu tú chính thức. Khi bắt đầu làm việc ở môi trường mới, bạn cần có sự tinh tế, cư xử khéo léo và khiêm tốn học hỏi không ngừng. Nếu phẩm chất và thái độ của bạn được đánh giá tốt, bạn sẽ dễ dàng tạo được cảm tình với mọi người đồng nghiệp xung quanh, và đây chính là nền tảng cho quá trình làm việc sau này.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/5-khong-can-ghi-nho-cho-nhan-vien-moi-nhan-viec-193056.html