Nông dân vùng cao dám nghĩ, dám làm

Từ phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững', ngày càng xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

 Mô hình nuôi trồng kết hợp của ông Nguyễn Thảo, xã Sơn Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Thu

Mô hình nuôi trồng kết hợp của ông Nguyễn Thảo, xã Sơn Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Thu

Những tấm gương

Ghé thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Nguyễn Thảo, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới, ông Thảo phấn khởi cho biết, mô hình của ông cho thu nhập hằng năm từ 300 đến 400 triệu đồng. Xuất thân từ vùng đất Quảng Ngạn (Quảng Điền), vợ chồng ông lên vùng cao A Lưới lập nghiệp theo diện kinh tế mới. “Ngày đó, vùng núi Sơn Thủy đất rộng, người thưa, lau lách, cỏ dại um tùm. Sau khi nhận đất, dựng ngôi nhà tạm, vợ chồng tôi ngày đi làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống, tối về cùng nhau cày cuốc, khai hoang đất để trồng trọt, chăn nuôi”, ông Thảo chia sẻ.

Được các cấp hội nông dân, phụ nữ cho vay vốn làm ăn, cùng số tiền dành dụm được, vợ chồng ông Thảo đầu tư chăn nuôi bò, heo, gà, đào ao thả cá, làm vườn... Thời kỳ cao điểm, đàn heo, bò nhà ông tăng lên 40 con, đàn gà, vịt hơn 200 con, vườn nhà đủ các loại rau dền, cải, đậu cô ve, dưa chuột... cho thu hoạch quanh năm. Nhắc đến mô hình chăn nuôi của ông Thảo, cả xã Sơn Thủy ai cũng biết. Bản thân ông nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

“Nhờ chịu khó, quyết tâm làm ăn nên gia đình tôi mới có được ngày hôm nay. Để phát triển trang trại kết hợp vườn tược, tôi đã nghĩ đến mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Muốn có phân để bón cho cây thì phải nuôi heo bò. Muốn có thức ăn cho heo bò thì mình trồng thêm nhiều loại rau, cây trái… Cũng nhờ đó mà mùa nào cũng có thứ để thu hoạch, thu nhập cũng từ đó được cải thiện”, ông Thảo cho hay.

Cũng tại xã Sơn Thủy, rất nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với nguồn thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Điển hình như hộ ông Hồ Quốc ở ở thôn Vinh Lợi, phát triển kinh tế từ mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Hồ Quốc cho biết, vợ chồng ông theo nghề trồng rau, hoa đã nhiều năm nhưng phải đến năm 2020, nguồn thu nhập mới ổn định nhờ mô hình nhà kính được Nhà nước hỗ trợ 50% sau đầu tư. Ngoài ra, ông Quốc còn được hội nông dân các cấp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau, hoa áp dụng công nghệ cao. Ông Hồ Quốc phấn khởi, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mô hình nhà kính và dàn tưới tự động mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập cao, có điều kiện kinh tế chăm lo gia đình, nuôi 2 con học xong đại học.

Ông Hồ Quốc chia sẻ: “Năm 2020, tôi bỏ số tiền 208 triệu đồng cùng với 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng nhà kính. Từ khi xây dựng nhà kính, mưa nắng không còn phải lo ảnh hưởng đến rau, hoa màu. Việc chăm sóc, tưới tiêu cũng từ đó mà thuận lợi hơn. Thu nhập cũng từ đó mà tăng cao”.

Lan tỏa

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương ngày càng được lan tỏa, số hộ đăng ký tham gia tăng hàng năm. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức truyền thống, bà con còn mạnh dạn đầu tư, hình thành các mô hình chăn nuôi heo, bò, trồng rau hữu cơ để tăng giá trị sản phẩm. Ông Hồ Văn Ẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thủy, huyện A Lưới cho hay: “Phong trào nông dân sản xuất giỏi là một phong trào lớn của hội nông dân. Ở xã Sơn Thủy thì số lượng nông dân đăng ký tham gia phong trào này tăng hàng năm. Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con tham gia phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời phối hợp với UBND xã xây dựng các vườn mẫu để nông dân tham gia. Hội cũng phối hợp Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất”.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới, Hội Nông dân huyện hiện có hơn 6.800 hội viên sinh hoạt ở 18 tổ chức hội cơ sở. Cùng với các hoạt động, phong trào khác, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với số lượng hội viên nông dân đăng ký tham gia hàng năm đạt gần 25%.

Để khuyến khích hội viên đăng ký tham gia phong trào, ngoài xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống, Hội Nông dân huyện A Lưới còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn ưu đãi. Đến nay, nguồn vốn ủy thác của hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tăng lên gần 190 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 3.500 hộ vay phát triển sản xuất. Ngoài ra, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cũng giúp nhiều hộ khó khăn có vốn đầu tư gia tăng sản xuất. Kết quả, năm 2023, toàn huyện có 758 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp.

“Hội Nông dân huyện có nhiều hoạt động khuyến khích các hộ tận dụng đất vườn sẵn có để tăng gia sản xuất, trồng rau, hoa, cây ăn quả để nâng cao cuộc sống. Chúng tôi còn hỗ trợ tập huấn chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi có nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp và cũng vận động hội viên giúp nhau để phát triển kinh tế gia đình”, bà Tâm cho hay.

Anh Thư

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nong-dan-vung-cao-dam-nghi-dam-lam-142316.html